Đường Vành đai 4 giữ vai trò quan trọng trong kết nối giao thông

Thứ Hai, 13/02/2023, 19:39 [GMT+7]
In bài này
.

Đường Vành đai 4 có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông mà còn tăng khả năng liên kết vùng, giao thương hàng hóa khu vực.

Bản đồ hướng tuyến dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bản đồ hướng tuyến dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tăng kết nối vùng

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của Thủ tướng Chính phủ (số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011), đường Vành đai 4 dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành phố, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Long An. Điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), điểm cuối kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh). Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h; có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật... 

Ngày 29/9/2021 Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1263/TTr-CN giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) - Bàu Cạn (giáp Đồng Nai), dài khoảng 18,3km.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, với hướng tuyến kéo dài từ Long An, đi qua TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 sẽ là tuyến giao thông kết nối quan trọng nhất của vùng Đông Nam bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả các địa phương phát triển công nghiệp đều phải đi qua đường Vành đai 4 để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển. “Tuyến đường này kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (cảng trung chuyển quốc tế thuộc nhóm cảng đặc biệt của quốc gia) với toàn bộ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối các tỉnh Nam Tây Nguyên và Campuchia”, ông Trần Thượng Chí nói.

Bản đồ tuyến đường Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh và thành phố.
Bản đồ tuyến đường Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh và thành phố.

Xúc tiến nhanh cho việc khởi công dự án 

Đánh giá được tầm quan trọng của dự án Vành đai 4, tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh Kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh, HĐND tỉnh giao Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải là đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tiếp theo đó, tại Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã bố trí kế hoạch và nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho dự án là 1.600 tỷ đồng (kinh phí thực hiện công tác GPMB).

Đường Vành đai 4 sẽ kết nối vào đường Hội Bài-Phước Tân (ĐT992) đã kết nối ra cảng Cái Mép theo tuyến đường 991B đang thi công. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp đoạn tuyến ĐT992 từ điểm cuối dự án đường 991B đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài khoảng 9km) với quy mô từ 6-8 làn xe để kết nối đồng bộ với đường Vành Đai 4.

Hiện nay, các địa phương có đường Vành đai 4 đi qua đang khẩn trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (được giao nhiệm vụ chủ đầu tư) cho biết, theo khảo sát dự kiến đường Vành đai 4, đoạn đi qua Bà Rịa-Vũng sẽ có diện tích đất chiếm dụng quy hoạch gần 147 ha. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sẽ quyết tâm hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý II/2023. “Giai đoạn 2023-2025, chủ đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thành các bước sau: thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, hoàn thành tổ chức lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bàn giao mặt bằng và khởi công công trình.... Phấn đấu thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong tháng 12/2027”, ông Nguyễn Văn Trình thông tin.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.