Chuyển biến tích cực trong gỡ thẻ vàng EC

Chủ Nhật, 12/02/2023, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, việc phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn tàu các khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được tỉnh quan tâm và huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến về nhận thức của ngư dân, góp phần sớm khắc phục “thẻ vàng” của EC. 

 

Lực lượng chức năng luôn kiểm soát chặt chẽ trước khi tàu cá xuất-nhập bến và thu nhật ký khai thác.  Trong ảnh: Ngư dân cảng Bến Lội-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển.
Lực lượng chức năng luôn kiểm soát chặt chẽ trước khi tàu cá xuất-nhập bến và thu nhật ký khai thác. Trong ảnh: Ngư dân cảng Bến Lội-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển.

Ý thức của ngư dân được nâng cao

Ngư dân Lâm Văn Quốc (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, trước đây, trong quá trình đánh bắt hải sản, ông vẫn chưa hiểu hết đâu là vùng biển nước bạn, đâu là vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, qua các buổi tuyên truyền của địa phương, ông hiểu ra rằng tuyệt đối không được đánh bắt trái phép trên vùng biển nước bạn. “Nhờ được nghe phổ biến Luật Biển Việt Nam, chúng tôi mới hiểu và tuân thủ theo quy định, không xâm phạm đến vùng biển nước ngoài, không đánh ở khu vực dầu khí”, ngư dân Lâm Văn Quốc nói.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho rằng, từ khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” EC, ngư dân cũng ý thức được rằng việc đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật nên luôn tự nhắc nhở nhau tuân thủ quy định khi đánh bắt trên biển. Ngư dân cũng được địa phương phổ biến, tuyên truyền về quy định, chủ trương của Đảng mà trọng tâm là Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật”, góp phần cùng Việt Nam gỡ thẻ vàng.

Theo Đại úy Trần Minh Nghĩa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Hải (huyện Đất Đỏ), nhờ hiệu quả của việc tuyên truyền và sự phối hợp giữa các đơn vị tại cảng mà ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, nhất là việc thông báo cho Ban quản lý biết trước 1 giờ khi tàu cá xuất-nhập bến và nộp nhật ký khai thác. Trong năm qua, trên địa bàn TT.Phước Hải và xã Lộc An không xảy ra trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Nhờ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân trong tỉnh đã giảm đáng kể. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Nhờ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân trong tỉnh đã giảm đáng kể. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Triển khai linh hoạt nhiều biện pháp

Với 5 huyện, thị, thành phố có biển, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có ngư trường rộng lớn, có tiềm năng và lợi thế phát triển nghề khai thác hải sản. Để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai linh hoạt bằng nhiều biện pháp, vừa kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu.

Ngoài việc tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về các quy định về chống khai thác IUU, chính quyền các địa phương vùng biển phối hợp với lực lượng chức năng triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, các địa phương lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.

Tại cảng cá Bến Lội-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), các quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản và chống khai thác IUU được Ban quản lý cảng cá, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá cùng với lực lượng Biên phòng triển khai đến từng chủ tàu, thuyền trưởng trước mỗi chuyến ra khơi. Bên cạnh đó, bám sát khuyến nghị của EC, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đều được kiểm soát chặt chẽ trước khi xuất-nhập bến, lên cá và thu nhật ký, báo cáo khai thác. 

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 5.400 tàu cá được cấp phép đánh bắt, trong đó hơn 2.800 tàu cá khai thác vùng khơi. Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh đạt từ 340-360 ngàn tấn/năm.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương để trên cơ sở đó tăng cường tuyền truyền, phối hợp quản lý, kêu gọi ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thực hiện đề án chống khai thác IUU đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU, không để tái diễn ở những năm tiếp theo.

“Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phải lấy cán bộ xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính, sâu sát nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền người dân tuân thủ pháp luật; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ”, bà Phạm Thị Na thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.