Vụ đông xuân 2022-2023, nông dân TX. Phú Mỹ gieo trồng khoảng 300ha rau ăn quả và rau ăn lá, trong đó có 150ha rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão. Thời điểm này, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc rau màu với hy vọng rau đạt năng suất, chất lượng, thu lợi nhuận cao.
Bà Đỗ Thị Phi chăm sóc vườn súp lơ phục vụ thị trường Tết |
Hy vọng vụ rau Tết bội thu
Những ngày đầu tháng 1/2023, có mặt tại xã Tân Hải (địa phương có diện tích đất trồng rau lớn nhất TX. Phú Mỹ), chúng tôi nhận thấy không khí khẩn trương, bận rộn trên cánh đồng rau. Bà con nông dân đang xới đất, lên liếp trồng các loại rau ngắn ngày, bên cạnh tỉa lá, bắt sâu, chăm sóc súp lơ, su hào phục vụ thị trường Tết.
Tại vườn rau của bà Đỗ Thị Phi (thôn Láng Cát, xã Tân Hải), 7.000 cây súp lơ trắng đang mởn lá được chăm bón kỹ lưỡng sẵn sàng cho dịp Tết. Bà Phi đi từng luống vạch từng cọng lá, quan sát rồi bắt từng con sâu nhỏ bám chặt vào kẽ lá. Bà Phi cho hay, vào dịp Tết rau súp lơ trắng tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định nên gia đình bà đầu tư trồng loại rau này. Trồng súp lơ không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng cây hay bị sâu tơ gây hại lá. Vì vậy, nhà vườn phải theo dõi thường xuyên để kịp thời bắt và diệt trừ sâu bằng các chế phẩm sinh học nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Nếu chăm sóc tốt, mỗi hoa súp lơ có trọng lượng từ 0,8 - 1kg. Thường từ 23 đến 29 tháng Chạp, sức mua tăng mạnh, giá bán sẽ cao hơn ngày thường khoảng 30-45%. Năm nay, giá bán cho thương lái tại vườn khoảng 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, dự kiến gia đình tôi thu lời 35 triệu đồng vụ súp lơ Tết”, bà Phi cho biết. Ngoài trồng rau súp lơ trắng, gia đình bà Phi còn trồng 2.000m2 ngò rí, với 150 luống (mỗi luống 12m2). Hiện nay, toàn bộ diện tích rau ngò rí đã được thương lái mua mão, với giá 140 ngàn đồng/ 1 luống.
Gần đó, gia đình ông Nguyễn Quang Thiêm (thôn Láng Cát, xã Tân Hải) dành 2.000/4.000m2 đất trồng chuyên canh cây súp lơ trắng. Ông Thiêm cho biết, trước đây gia đình ông trồng rau chủ yếu theo phương pháp thủ công, tưới nước bằng tay nên vất vả mà năng suất không cao. Sau đó, ông được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của TX. Phú Mỹ hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau. Ông cũng mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới tự động. Nhờ vậy, tiết kiệm được 1/3 lượng nước tưới, 80% công tưới và 40% nhiên liệu. Ngoài ra, năng suất cây trồng cũng tăng gấp đôi so với tưới tràn theo phương pháp truyền thống. “Từ khi áp dụng cơ giới và lắp đặt hệ thống tưới nước vào trồng rau, gia đình tôi giảm được nhiều chi phí hơn. Súp lơ vụ Tết này, mẫu mã cũng đẹp hơn, cây phát triển đồng đều hơn so với năm ngoái”, ông Thiêm nói.
Còn gia đình chị Phạm Thị Hiền (thôn Phước Hải, xã Tân Hải) cũng đã xuống giống 6 sào rau gồm cải thìa, cải ngồng, rau ngò rí…sãn sàng phục vụ thị trường Tết. “Còn gần 20 ngày nữa mới đến Tết nguyên đán, nhưng vườn rau đã được thương lái thu mua. Rau Tết rất hút hàng, lại bán được giá cao, vì vậy gia đình tôi tập trung đầu tư, chăm sóc”, chị Hiền bày tỏ.
Hỗ trợ vốn cho nông dân trồng rau Tết
Giải ngân vốn đầu tư trồng vụ rau Tết cho nông dân tại xã Tân Hải |
Để kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư trồng vụ rau Tết cho nông dân, Hội Nông dân TX. Phú Mỹ đã giải ngân 900 triệu đồng thực hiện Dự án trồng rau xanh. Có 20 nông hộ được vay vốn, với số vốn vay 45 triệu đồng/hộ dùng để mua cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp. Toàn bộ kinh phí được trích từ ngân sách TX. Phú Mỹ.
Được hỗ trợ vốn sản xuất đợt này, ông Hoàng Công Khanh (thôn Láng Cát, xã Tân Hải) phấn khởi cho biết, gia đình ông đã xuống giống 4.000 m2 rau ăn lá như: xà lách, cải các loại, tần ô và rau lagim phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão. Thường thì các thương lái chỉ đặt cọc tiền mua mão, chưa thanh toán nên gia đình cũng rất cần vốn để tái đầu tư. Được hỗ trợ vốn kịp thời, gia đình sẽ đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ, tập trung chăm sóc để vụ rau Tết đạt năng suất, chất lượng cao.
“Toàn bộ rau được trồng theo quy trình Vietgap để đáp ứng nhu cầu rau an toàn của người tiêu dùng. Nhiều năm gắn bó với cây rau, gia đình tôi không phải lo đầu ra. Năm nào cũng vậy, sau khi xuống giống rau Tết khoảng 20 ngày là thương lái đến vườn đặt mua. Tôi và bà con nông dân ở đây rất phấn khởi vì được Hội Nông dân thị xã quan tâm, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn từ nhiều năm nay, nên cũng mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất”, ông Khanh cho hay.
Mỗi năm, nông dân TX. Phú Mỹ trồng từ 8-10 vụ rau. Đa số các loại rau được bà con canh tác đều có thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh thu hoạch. Do vậy, bà con nông dân thường chuẩn bị rất kỹ từ khâu làm đất đến chăm sóc để rau cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó tập trung cao điểm cho vụ Đông - Xuân vì sức tiêu thụ cuối năm tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo các nhà vườn, thời tiết cuối năm thường lạnh vào ban đêm và có sương mù vào sáng sớm, độ ẩm không khí cao nên rau dễ bị sâu bệnh dịch hại, như sâu xanh ăn lá, bọ nhảy hại rau và bệnh sương mai hại hành. Vì vậy, người trồng rau phải thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, dịch hại để có cách phòng trừ hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.
Trần Ngọc Toàn
(Hội Nông dân TX. Phú Mỹ)