Ngư dân tưng bừng "mở biển" đầu năm

Thứ Năm, 26/01/2023, 21:25 [GMT+7]
In bài này
.

Với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, từ mùng 2 Tết, ngư dân tại các làng biển trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghi thức “mở biển”, xuất hành lấy may đầu Xuân năm mới.

Ngư dân xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) phấn khởi với chuyến ra khơi đầu năm thuận buồn xuôi gió.
Ngư dân xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) phấn khởi với chuyến ra khơi đầu năm thuận buồm xuôi gió.

Tại làng chài xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), từ mùng 2 Tết, ngư dân đã đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản, đánh dấu chuyến “mở biển” đầu năm. Những chiếc ghe của ngư dân hành nghề lưới nổi và nghề câu mực sau một đêm đánh bắt đưa vào bờ những giỏ cá và mực tươi rói. Những ngư dân kỳ cựu ở đây cho biết, nghề thuyền thúng đánh bắt hải sản thường hoạt động cách bờ khoảng 5 hải lý trở vào, hải sản thu được chủ yếu là ghẹ, ốc và các loại cá nhỏ.

Ngư dân Hoàng Văn Hiệp (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho hay, ghe bắt đầu ra khơi vào khoảng 3 giờ sáng mùng 2 Tết, sau 4 tiếng đánh bắt, hơn 7 giờ sáng ghe đã vào bờ. Trung bình mỗi chuyến đi như vậy, ông thu hoạch được từ 20-30kg hải sản các loại. Hải sản sau khi được gỡ ra khỏi lưới, khách du lịch mua ngay tại bãi nên ông không cần phải ra chợ để bán. Sau mỗi chuyến đi biển, mỗi người đi thúng, ghe thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cao gấp đôi so với ngày thường.

“Sau 2 năm dịch bệnh, việc đánh bắt hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngư dân chúng tôi chỉ có một ước mong đó là năm mới mọi chuyến ra khơi đều thuận buồm xuôi gió, hải sản đánh bắt luôn đầy ghe là vui mừng rồi”, ông Hiệp mong muốn.

Ngư dân xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) chuẩn bị lương thực, ngư cụ cho chuyến biển đầu năm.
Ngư dân xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) chuẩn bị lương thực, ngư cụ cho chuyến biển đầu năm.

Ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, ông Trần Văn An (ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đã chuẩn bị lương thực, ngư cụ và tiếp nhiên liệu để sẵn sàng vươn khơi bám biển, khởi đầu cho một năm đánh bắt với niềm hy vọng mới.

Theo ông An, chuyến biển đầu năm được kỳ vọng tàu ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được mùa bội thu trong năm nên lễ xuất hành được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Sau khi chọn được ngày đẹp vào mùng 4 Tết, gia đình ông sẽ thực hiện nghi thức cúng thuyền, cúng bến trước khi tàu xuất bến.

“Sau những ngày vui Xuân đón Tết, ngư dân chúng tôi đang tràn đầy hy vọng cho một mùa đánh bắt tôm cá luôn đầy khoang”, ông An phấn khởi nói.

Mong mùa màng bội thu, được mùa - được giá 
Diêm dân Nguyễn Minh Chánh (phường Long Toàn, TP. Bà Rịa)  ra đồng sản xuất vụ muối đầu năm.
Diêm dân Nguyễn Minh Chánh (phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) ra đồng sản xuất vụ muối đầu năm.

Đầu Xuân Quý Mão 2023, nhiều nông dân, diêm dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực xuống đồng sản xuất vụ mùa, phần vì để kịp lịch thời vụ, phần mong muốn “lấy may” để cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Phong tục ra đồng cúng đầu năm luôn được diêm dân trên địa bàn tỉnh duy trì hàng năm.

Tùy vào từng gia đình để chọn ngày ra đồng bắt đầu công việc, song đa số sẽ chọn ra đồng từ mùng 2 và đến mùng 4 Tết, ai ai cũng kỳ vọng vào năm mới sẽ thuận lợi “được mùa được giá”. Thời tiết tốt cùng với giá muối đang ở mức cao nên bà con diêm dân đều tranh thủ ra đồng sớm để dọn dẹp ruộng chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Hiện muối đang có giá khoảng 2,5 triệu/tấn (muối thường) và 3 triệu/tấn (muối bạt), đây được xem là mức cao nhất từ trước tới nay. Do vậy, diêm dân rất phấn khởi, kì vọng cho vụ mùa sắp tới sẽ đạt năng suất cao, giá cả ổn định như hiện nay để diêm dân có động lực duy trì nghề truyền thống.  

Ông Nguyễn Văn Phương (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) xuống đồng từ mùng 2 Tết với kì vọng một vụ mùa bội thu.
Ông Nguyễn Văn Phương (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) xuống đồng từ mùng 2 Tết với kì vọng một vụ mùa bội thu.

Trong khi đó, nông dân tại xã An Nhứt (huyện Long Điền) cũng tranh thủ xuống đồng thăm ruộng, chăm sóc cho vụ Đông-Xuân, đây được xem là vụ mùa quan trọng nhất trong năm bởi sản lượng và giá cả luôn ở mức cao.

Do đó, nông dân phải theo sát và chăm sóc kỹ càng để điều chỉnh phân, nước kịp thời để bảo đảm lúa đạt năng suất tốt nhất, phần vì mong muốn đầu năm mọi sự “hanh thông” để có mùa màng bội thu. Đến thời điểm hiện nay, thời tiết tương đối ổn định, suôn sẻ, nên vụ lúa vụ Đông-Xuân của nông dân đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, được xem là tín hiệu tích cực trong đầu năm mới cho người dân.

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, đội tàu khai thác của tỉnh hiện có 5.262 chiếc, hoạt động vùng khơi có 2.779 chiếc, chủ yếu hoạt động các nghề khai thác như: lưới kéo, lưới rê, vây, câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần và nghề khác.

Trong 2 năm qua, trước tác động của giá xăng dầu, giá hải sản khai thác không ổn định, đời sống một bộ phận không nhỏ ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bước sang năm mới Quý Mão 2023, ngư dân kỳ vọng cuộc sống tốt đẹp hơn, ngành biển ổn định hơn cho ngư dân thêm yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.