Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục

Thứ Ba, 13/12/2022, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Tính đến hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 10 tỷ USD, lần đầu tiên lập kỷ lục dù năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu tại xưởng.
Công nhân Công ty Baseafood chế biến hải sản xuất khẩu tại xưởng.

Vượt kế hoạch năm

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) cho biết, tính hết tháng 11/2022, công ty đã xuất khẩu được 8.876 tấn hải sản các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 55,7 triệu USD và vượt kế hoạch năm 2022.  Hiện nay, DN đã có hợp đồng đến tháng 3, 4 năm 2023, vì vậy từ quý 4/2022, Baseafood đã chuẩn bị nguyên liệu và kế hoạch sản xuất cho năm 2023. Với đà này, dự kiến năm 2023 sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng 7-10%.

Còn ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải (TP. Vũng Tàu) cũng thông tin, kim ngạch xuất khẩu của công ty dự kiến năm 2022 đạt khoảng 20 triệu USD, trong đó doanh số của sản phẩm xương cá đục khoảng 500 ngàn USD/năm, tương đương với 12 tỷ đồng/năm. Dự kiến năm 2023, chỉ tiêu sẽ tăng trên 10%. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác và thực hiện chế biến sâu để nâng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục duy trì việc cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đa dạng các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường có yêu cầu khắt khe nhất về an toàn thực phẩm như: châu Á, châu Âu, Mỹ...

Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải chế biến cá đục xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải chế biến cá đục xuất khẩu.

Hướng tới mốc 11 tỷ USD

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022 ngành xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn. Hệ lụy của đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… 

Nhưng trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các DN thủy sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD. 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2022, đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam, sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chiếm trên 7% thị phần toàn cầu, là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. 

Dự kiến, kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Tại BR-VT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến hết tháng 11 đạt 208,97 triệu USD.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này trước các thách thức của các thị trường lớn, ông Trương Đình Hòe cho rằng, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng. 

Mặt khác, nhằm giúp các DN ổn định sản xuất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho DN thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường. Chính phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistics trong nước. Đối với DN, phải cân đối được tài chính, tiết kiệm chi phí sản xuất, sắp xếp lại chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất cho đến xuất khẩu.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
;
.