Giảm nhập khẩu để "cứu" người chăn nuôi

Thứ Hai, 12/12/2022, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là vấn đề được đặt ra tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ do Tổ Điều hành diễn đàn kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua.

Nguồn cung thịt, trứng gia cầm cho Tết Nguyên đán 2023 được dự báo là sẽ dồi dào. Trong ảnh: Người chăn nuôi heo tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức chuẩn bị cho thị trường tết.
Nguồn cung thịt, trứng gia cầm cho Tết Nguyên đán 2023 được dự báo sẽ dồi dào.

Nguồn cung dồi dào

Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm phía Nam, dẫn đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Hiện nay, nguồn cung sản phẩm thịt, trứng khá dồi dào cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua các thống kê cho thấy, năng lực sản xuất thịt và trứng gia cầm của vùng Đông Nam Bộ là rất lớn.

Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo đông lạnh. Bên cạnh đó, ông Phương cũng lưu ý việc giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời cần kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối các sản phẩm thịt để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và người chăn nuôi. Nhà nước cần thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn.

Riêng Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có 139 trại chăn nuôi heo với tổng đàn 219,6 ngàn con, sản lượng năm 2022 đạt 69,5 ngàn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; gia cầm hơn 2,97 triệu con, sản lượng thịt gần 27,3 ngàn tấn; sản lượng trứng 192 triệu quả; tổng đàn bò là 5.220 con. Khả năng cung ứng khoảng 6.200 tấn thịt heo/tháng, gần 1.500 tấn thịt các loại khác như bò, dê, cừu… Vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thịt tăng 1,5-2 lần ngày thường tùy loại. Nguồn cung các sản phẩm thịt, trứng trong tỉnh cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho người tiêu dùng vào dịp Tết, riêng thịt bò phải nhập thêm.

Giá khó đạt như kỳ vọng

Nguồn nhập khẩu thịt heo lớn, trong khi đó, người chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá heo hơi liên tục giảm. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá heo hơi dao động 52-54 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ từ 500-700 ngàn đồng/con, thậm chí lỗ cả triệu đồng nếu phải mua con giống, do chi phí đầu vào liên tục tăng cao.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 12.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 26,02 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 22,4% về trị giá so với tháng 10/2021.

Theo ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, qua 11 tháng theo dõi cho thấy, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất. Bình quân giá gà xuất chuồng 31.800 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi gà chịu lỗ 1.063 đồng/kg.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù hiện nay đang là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm dự báo tăng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, mức tăng giá sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước khá dồi dào.

Trước áp lực nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm thịt lạnh tăng cao, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ để đề xuất hạn chế nhập khẩu không chỉ là sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, heo… Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, chủ thể để tăng chuỗi giá trị.

Ngoài xuất khẩu, cần phải chăm lo cho thị trường nội địa. Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh đã có các chuỗi phân phối như chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện dụng… Thời gian tới, cần phải có giải pháp nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa. Mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.