.

Thu ngân sách đã vượt kế hoạch năm

Cập nhật: 19:07, 04/11/2022 (GMT+7)

10 tháng năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, các ngành đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành và lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân kế hoạch cả năm…

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực sản xuất urê có mức tăng trưởng cao. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm phân bón tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực sản xuất urê có mức tăng trưởng cao. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm phân bón tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.

Những thông tin tích cực trên được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh, diễn ra ngày 4/11. 

Một số lĩnh vực tăng trưởng cao 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, các lĩnh vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và cao hơn bình quân cả năm gồm: Sản xuất công nghiệp; bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, ngành sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 10,47% (nghị quyết tăng 9,82%). Các sản phẩm chủ lực tăng cao và đóng góp lớn vào tăng trưởng như: Butan đã được hóa lỏng (LPG) tăng 37,3%, bia lon tăng 16,2%, ure tăng 11,99%, điện sản xuất tăng 8,63%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,92% (nghị quyết tăng 11,05%). Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 154% (nghị quyết tăng 34,06%). Kim ngạch xuất khẩu tăng 9,96% so với cùng kỳ (nghị quyết tăng 8,42%); Kim ngạch nhập khẩu tăng 13,01% so với cùng kỳ (nghị quyết tăng 11,43%).

Đáng chú ý, tổng thu ngân sách 10 tháng đã đạt 131,4% dự toán cả năm, tăng 31,72% so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nội địa đạt 109,71% dự toán cả năm, tăng 17,62% so với cùng kỳ. 10 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 1.568 DN, tăng 59% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 15.114 tỷ đồng. Tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 207 chi nhánh, văn phòng đại diện; đăng ký tăng vốn cho 395 DN, tăng 55%, với số vốn tăng 12.760 tỷ đồng, tăng 26%. Có 531 DN hoạt động trở lại.

Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông... được triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch theo lộ trình. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo… có nhiều cải thiện.

Xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng

Thông tin tại cuộc họp, ông Ngô Phước Thành, Giám đốc Sở Tài chính cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Báo cáo của Sở KH-ĐT cũng cho biết, giá trị giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh đến đầu tháng 9/2022 gần 6.149 tỷ đồng, đạt 43,7% tổng kế hoạch vốn năm 2022. 

Giá trị giải ngân vốn năm 2021 kéo dài đến cuối tháng 10/2022 là 292,889 tỷ đồng, đạt 30,95% tổng kế hoạch vốn kéo dài, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 219,275 tỷ đồng, đạt 32,96% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách Trung ương 73,624 tỷ đồng, đạt 26,18% kế hoạch.

Theo kế hoạch, năm 2022 bố trí khởi công xây dựng mới 30 dự án. Đến ngày 31/10/2022, đã khởi công 19 dự án; 8 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu và 3 dự án đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công 11 dự án còn lại. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, kiểm toán, lập và trình thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án để tất toán công trình. Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để sớm hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng và thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn (không phân biệt chủ đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án.

Đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình đã có đủ mặt bằng thi công. Xử lý, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Chỉ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng do các nguyên nhân khách quan và phải kèm các hồ sơ để chứng minh tính khách quan dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Đối với các công trình đang triển khai thi công do còn vướng mặt bằng, chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân bàn giao mặt bằng và kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại có liên quan đến các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện giao ban xây dựng cơ bản định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian qua; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những hạn chế liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, xử lý các công việc tồn đọng, công tác tổ chức thi tuyển giáo viên…

Trong 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại các nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Trong 10 tháng đầu năm, các DN trên địa bàn tỉnh đang phục hồi lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi phải chịu tác động của dịch COVID-19 nên nhu cầu lao động lớn. Tuy nhiên, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.