Sau 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Mặc dù đã đạt một số thành tựu nhưng NNHC vẫn còn nhiều khó khăn, vường mắc cần được tháo gỡ.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất NNHC. Trong ảnh: Mô hình trồng tiêu hữu cơ đầu tiên tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) được công nhận. |
Định hình vùng sản xuất NNHC
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến năm 2020 tổng diện tích đất NNHC Việt Nam khoảng trên 174.351ha, tăng 47% so với năm 2016. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên.
Nếu như năm 2016, lượng phân bón hữu cơ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% (0,8 triệu tấn), thì đến nay đã tăng lên 20%; tương đương khoảng 3 triệu tấn và đang không ngừng tăng mạnh. Đây là những bước tiến rất nhanh chóng nhằm tạo nền tảng cho sản xuất NNHC, nhất là sản xuất lúa trong giai đoạn tới.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất NNHC. Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 6 mô hình sản xuất hữu cơ trên cây rau các loại, ca cao, hồ tiêu và bưởi với tổng diện tích 2,2ha. Đồng thời, hỗ trợ đánh giá chứng nhận sản phẩm NNHC theo tiêu chuẩn Việt Nam cho 5 cơ sở sản xuất trồng trọt (rau, bưởi, nấm).
Đã có khoảng 20ha đạt chứng nhận hữu cơ, gồm: 5ha ca cao và 15ha hồ tiêu. Hiện nay, có 5 cơ sở đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 1,9ha; xác định được 20 vùng sản xuất nông nghiệp định hướng theo hình thức hữu cơ với diện tích khoảng 385ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hỗ trợ thiết kế logo, xây dựng mã xác thực hàng hóa và in tem chứa mã QR đối với các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ.
Dù đạt được kết quả khả quan, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong ảnh: Mô hình trồng rau hữu cơ của ông Bùi Minh Hải (xã Bình Ba, huyện Châu Đức). |
Tháo gỡ cơ chế chính sách cho NNHC
Mặc dù đạt một số kết quả nhất định nhưng sản xuất NNHC vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Như tại Bà Rịa-Vũng Tàu, do sản xuất NNHC còn manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra, với chi phí đầu tư và tốn công lao động nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Do đó, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh so với các sản phẩm truyền thống.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất NNHC không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Do đó, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng, với các sản phẩm ưu tiên. Đồng thời, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Cụ thể là quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong việc này, chính sách phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp.
Các cơ chế, chính sách về vật tư đầu vào; cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm NNHC vẫn chưa rõ ràng, hoàn thiện. Đây có thể coi là rào cản, trở ngại lớn cho thanh tra, kiểm tra, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Để gỡ bài toán khó trên, Bộ NN-PTNT cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể phát triển NNHC thời gian tới. Cụ thể, cần tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước về NNHC. Cần có chương trình nâng cao năng lực sản xuất hữu cơ, đặc biệt là xây dựng các mô hình điểm HTX, nông dân sản xuất NNHC.
Đặc biệt, thu hút DN tham gia để triển khai rộng khắp và có hiệu quả, cần xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển NNHC. Đề xuất cơ chế chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang NNHC; từ đó bổ sung một số cơ chế, chính sách phù hợp.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC