Mở hướng thoát nghèo cho nông dân

Thứ Ba, 29/11/2022, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật sản xuất là những việc làm thiết thực được các cấp Hội Nông dân huyện Long Điền triển khai trong nhiều năm qua nhằm giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ mô hình nuôi gà ta thả vườn, hội viên nông dân Nguyễn Thành Đồng (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) mỗi tháng thu nhập gần 8 triệu đồng.
Từ mô hình nuôi gà ta thả vườn, hội viên nông dân Nguyễn Thành Đồng (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) mỗi tháng thu nhập gần 8 triệu đồng.

Tăng thu nhập nhờ nuôi gà thả vườn

Dù có sức khỏe nhưng nhiều năm liền, gia đình ông Nguyễn Thành Đồng (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) luôn gặp khó khăn, bởi nguồn thu chỉ trông vào mấy sào ruộng. Đầu năm 2022, Hội Nông dân huyện tư vấn, mở hướng làm ăn cho ông bằng việc hỗ trợ 200 con gà ta giống, 275kg thức ăn, thuốc phòng bệnh và hướng dẫn làm chuồng trại an toàn sinh học.

Để giảm chi phí trong chăn nuôi, ông Đồng đã dùng các loại phế phẩm nông nghiệp cho gà ăn mỗi ngày. Đến nay, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ khoảng 2%. Giá bán hiện khoảng 100 ngàn đồng/kg. Sau 3 tháng nuôi, bán lứa gà đầu tiên, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng. Trong quá trình chăn nuôi, ông đã lựa những con gà trống, gà mái đẹp để làm giống, tiếp tục tái đàn.

Phương thức chăn nuôi gà ta thả vườn cũng đang được nhiều hội viên nông dân xã An Ngãi thực hiện hiệu quả. Từ thành công ban đầu, bà Lê Thị Phượng (ấp An Phước) tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trước đây, bà Phượng chỉ nuôi vài chục con gà ta để bán kiếm thêm thu nhập. Cuối năm 2021, gia đình bà được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 150 con gà ta (trọng lượng 300g/con). Để giảm chi phí chăn nuôi, bà cho gà ăn thêm rau lá, thân cây chuối và bắp. "Thịt gà thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, đàn gà phát triển tốt, mỗi con cân nặng từ 1,5-2kg. Tết năm nay, tôi chọn một số gà giống tiếp tục nuôi sinh sản, số còn lại bán thịt trang trải sinh hoạt gia đình và tái đầu tư chăn nuôi”, bà Phượng chia sẻ.

Công việc phù hợp với khả năng, lại tạo thêm thu nhập cho gia đình khiến bà Phượng rất vui mừng. Càng phấn khởi hơn khi mô hình chăn nuôi này giúp gia đình bà Phượng thoát nghèo. 

Đại diện UBND, hội, đoàn thể xã An Ngãi trao gà giống cho bà  Nguyễn Thị Sáu (ấp An Phước), hộ nghèo trên địa bàn.
Đại diện UBND, hội, đoàn thể xã An Ngãi trao gà giống cho bà Nguyễn Thị Sáu (ấp An Phước), hộ nghèo trên địa bàn.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân 

Có mặt ở các địa phương, đặc biệt những vùng còn nhiều khó khăn, tổ chức Hội Nông dân đang cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tìm hướng thoát nghèo cho ngày càng nhiều hội viên. Ông Lương Tuấn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi cho rằng, muốn bà con thoát nghèo thì phải trao "cần câu", tạo sinh kế, giúp họ nhận thức, tự thay đổi cuộc sống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và của tổ chức đoàn thể chính là trợ lực để con đường thoát nghèo của họ bớt chông gai.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã trao 15 con dê giống cho 3 hộ hội viên nông dân tại các xã Tam Phước và An Nhứt; hỗ trợ gần 4.000 con gà giống, hơn 200 bao thức ăn, thuốc thú y… cho 18 hộ hội viên nông dân trên địa bàn TT. Long Điền và các xã Phước Hưng, An Ngãi, An Nhứt. Kinh phí thực hiện các dự án gần 200 triệu đồng.

Số hộ hội viên nghèo ngày càng giảm là điều đáng phấn khởi, nhưng làm sao để tạo sinh kế bền vững, không tái nghèo mới thực sự là mục tiêu cuối cùng mà các cấp Hội hướng đến. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn, các chương trình, dự án, mô hình sinh kế, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Ông Ngô Tấn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ 5.000 con cua giống cho hội viên nông dân xã An Ngãi, với tổng kinh phí 140 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình nuôi dê, nuôi gà và nuôi cua đều là những người có kinh nghiệm về chăn nuôi; bảo đảm các điều kiện về chuồng trại, rau xanh, công lao động. Ngoài trao con giống, trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ nuôi còn được cán bộ kỹ thuật của Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nhằm nâng hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện đã có 2.927 hộ hội viên nông dân được vay trên 124 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 115 hộ vay 5,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện.

Dấu ấn của các cấp Hội Nông dân trong công tác giảm nghèo còn phải kể đến là việc triển khai sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Cuối năm 2022, qua bình xét, toàn huyện có 2.899 hộ đạt nông dân giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 8 hộ, cấp tỉnh 42 hộ, cấp huyện 640 hộ, cấp cơ sở 2.209 hộ và 6 hộ thoát nghèo.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

 
;
.