Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Thứ Tư, 07/09/2022, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, nhưng sự phát triển của lĩnh vực này phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh để làm ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh và có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất khung tivi cho Tập đoàn Sam sung tại Công ty TNHH Pavonine Vina.
Sản xuất khung tivi cho Tập đoàn Sam sung tại Công ty TNHH Pavonine Vina.

Trở thành đối tác của tập đoàn lớn

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chất lượng cao và CNHT, thời gian qua tỉnh đã dành nhiều ưu đãi cũng như có những chính sách riêng cho lĩnh vực này. Nhờ đó, nhiều DN đã được tiếp sức để tham gia các công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 Điển hình như Công ty TNHH Pavonine Vina (KCN B1, Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) là một trong những DN cung cấp chính các phụ kiện điện tử bằng vật liệu nhôm cao cấp cho Tập đoàn Samsung với khoảng 2 triệu sản phẩm/năm.  Ông Lee Minseog, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Pavonine Vina cho biết, xu hướng tất yếu của các DN công nghiệp là  phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao được giá trị gia tăng trong sản xuất. Để  trở thành đối tác của Samsung, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài việc phải đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân, DN còn phải chú trọng đến cả môi trường lao động. Hiện tại, công ty đang lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất 30% vào năm 2023.

Tuy mới đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 4/2021 với sản phẩm bảng mạch điện tử mainboard cho màn hình ti vi nhưng Chi nhánh Công ty TNHH Novas EZ (KCN B1 Conac) hiện  đã là một trong những đối tác chiến lược của tập đoàn Samsung. Ông Jang Jae Hyun, Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Novas EZ cho biết, các sản phẩm của công ty chủ yếu cung cấp cho Tập đoàn Samsung. Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại  kết hợp của tự động hóa và hệ thống công nghệ thông tin.

Không riêng gì 2 DN trên, nhờ việc định hướng rõ ràng, số lượng và chất lượng các DN CNHT của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Một số DN CNHT ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Để công nghiệp hỗ trợ phát triển xứng tầm

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng theo đánh giá của Sở Công thương, quy mô của các DN CNHT còn nhỏ, năng lực sản xuất rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất. Các sản phẩm CNHT đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Bên cạnh đó, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT còn nhiều bất cập, tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa đang ở mức thấp.

Công nhân Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina trong giờ làm việc.

Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI. Mặt khác, các DN CNHT trong nước còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ, thiếu nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để phát triển CNHT xứng tầm, bền vững, tháng 10/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về giải pháp phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh xác định công nghiệp mũi nhọn tương ứng với thế mạnh của từng vùng và tập trung phát triển CNHT để sản xuất phụ kiện phục vụ cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Theo  đó, tỉnh sẽ thành lập khu nghiên cứu công nghệ cao, liên kết với trường đại học tại địa phương hoặc các các viện chuyên ngành với vai trò hỗ trợ đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm CNHT. Đồng thời, thành lập một Trung tâm hỗ trợ CNHT để truyền tải các chính sách của Nhà nước, giúp đỡ, hỗ trợ cho các DN CNHT thúc đẩy sản xuất.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 150 DN CNHT, tập trung vào các nhóm ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu, kết cấu thép, cơ khí gia công luyện cán thép, linh kiện điện tử, linh kiện máy móc, đóng sửa tàu thuyền...
Tính đến cuối năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành CNHT chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tương đương 150 ngàn tỷ đồng.
Nhiều tập đoàn, DN trong và ngoài nước sau một thời gian đầu tư vào tỉnh thành công đã tăng vốn, mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế chính sách và chương trình, đề án của Chính phủ và các bộ, ngành để hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNHT; đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm CNHT; nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT; tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với DN địa phương trong phát triển chuỗi cung ứng.

Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các DN sản xuất công nghiệp tích cực tham gia các hoạt động phát triển CNHT để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển  sản phẩm; khuyến khích mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.