Người chăn nuôi thận trọng tái đàn vụ Tết

Thứ Tư, 07/09/2022, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm lại bấp bênh khiến các  hộ  chăn nuôi trên địa bàn tỉnh  thận trọng, dè chừng khi tái đàn vụ Tết Nguyên đán 2023.

Trang trại gà của gia đình ông Lý Trung Vân (huyện Châu Đức) chủ động giảm đàn cho vụ Tết Nguyên đán 2023.
Trang trại gà của gia đình ông Lý Trung Vân (huyện Châu Đức) chủ động giảm đàn cho vụ Tết Nguyên đán 2023.

Lo ngại thua lỗ

Đầu tháng 8 âm lịch, gia đình ông  Nguyễn Minh Lý (ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) nhập 2.000 con gà giống Minh Dư-Bình Định để chuẩn bị cho vụ quan trọng nhất trong năm  Tết Nguyên đán 2023. So với vụ năm ngoái, ông Lý chủ động giảm đàn gần 1.000 con.

Theo ông Lý, mặc dù hiện đầu ra sản phẩm khá tốt, song giá cám tăng quá cao, giá gà thương phẩm lại không tăng. Trong khi đó, gà của ông Lý được nuôi bằng thảo dược, thời gian nuôi kéo dài khoảng 5 tháng, chi phí tăng lên khá cao. Trung bình 1kg gà, hiện ông Lý  phải đầu tư khoảng 60 ngàn đồng. Đây  là một hạn chế lớn khó lòng cạnh tranh với những trang trại chỉ nuôi thời gian từ hơn 3 tháng. “Hiện giá gà tôi đang bán ở mức 80-90 ngàn đồng/kg. Để được giá này, tôi đã tới tận công ty và mua phụ phẩm về tự sản xuất cám và phối trộn theo công thức riêng. Nếu vào dịp cuối năm giá tăng lên thêm 5-10 ngàn đồng/kg thì may ra mới có lời”, ông Lý nhẩm  tính.

Mặc dù đầu ra của đàn gà luôn ổn định nhưng vụ nuôi Tết năm nay, ông Lý Trung Vân (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cũng không dám tăng đàn, chỉ nuôi 2.000 con, giảm 1.000 con so với năm ngoài. Theo ông Vân, vụ cuối năm người chăn nuôi phải đối mặt với rủi ro cao do thời tiết bất lợi. Cùng với đó, giá cám đang tăng cao cũng là nguyên nhân khiến ông e ngại việc tăng đàn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN- PTNT) toàn tỉnh hiện có 139 trại chăn nuôi heo với tổng đàn là 219.600 con; gia cầm 2.978.000 con; tổng đàn bò là 5.220 con. Khả năng cung ứng khoảng 6.200 tấn thịt heo/tháng, 3.059 tấn thịt gia cầm/tháng và 29 triệu quả trứng; gần 1.500 tấn thịt các loại khác như bò, dê, cừu…Vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thịt tăng gấp rưỡi đến gấp đôi tùy loại: heo 1,5 lần, bò 1/2 và gia cầm 1,5 lần. Về cơ bản nguồn cung các sản phẩm trong tỉnh đảm bảo đủ nhu cầu cho người tiêu dùng vào dịp Tết, riêng thịt bò phải nhập thêm.

Không riêng gì các hộ chăn nuôi gà, các hộ chăn nuôi heo cũng đang dè dặt. Theo các hộ chăn nuôi heo, giá heo hơi hiện đang ở mức 64-69 ngàn đồng/kg là người nuôi bắt đầu có lãi nhưng do tâm lý lo sợ về giá cả bấp bênh và dịch bệnh, nhiều người vẫn chưa dám tăng đàn trở lại.

Ông Phan Văn Hiếu (ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, lứa heo Tết này ông cũng không dám tăng đàn như mọi năm mà chỉ nuôi 20 con để duy trì, thay vì 100 con như những năm trước. “Tôi rất lo lắng dịch bệnh cũng như giá cả lên xuống không ổn định, trong khi đó giá thức ăn không có tín hiệu giảm. Hiện, chi phí thức ăn để nuôi heo đến lúc xuất chuồng đã tăng khoảng 1,6 triệu đồng/con so với thời điểm năm ngoái. Với giá heo hơi hiện nay người chăn nuôi đã có lãi khoàng 600-1 triệu đồng/con, đến Tết mà giá vẫn ổn định thì không sao, nhưng nếu giá giảm sâu, người chăn nuôi sẽ nắm chắc thua lỗ. Bởi hiện nay giá thức ăn chăn nuôi khó có chiều hướng giảm nên chúng tôi không dám mạo hiểm”, ông Hiếu nói thêm.

Người chăn nuôi heo dè dặt tái đàn vụ Tết do giá thức ăn chăn nuôi  tăng cao.
Người chăn nuôi heo dè dặt tái đàn vụ Tết do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống để chăn nuôi cho vụ Tết. Ngành đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2022.

Để bảo đảm tái đàn hiệu quả và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.