Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, ứng dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo đột phá giúp Côn Đảo phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh tầm cỡ quốc tế. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan nhà tù Côn Đảo. |
Đi đầu trong xây dựng kinh tế tuần hoàn
Từ những thách thức mà huyện Côn Đảo đang phải đối mặt, nhằm tạo sự đột phá trong giải quyết các tồn tại hiện nay, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc ứng dụng mô hình KTTH tại huyện đảo được xác định là hết sức cần thiết và cấp bách.
Thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Sở KH-CN đã và đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH và UBND huyện Côn Đảo hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2026”. Từ đó có cơ sở đề xuất các định hướng chiến lược phát triển bền vững huyện Côn Đảo tầm nhìn 2050. Thông qua việc triển khai đề án áp dụng mô hình KTTH cho Côn Đảo, một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường (gồm: biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng KTTH trong tỉnh và cả nước.
(Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN)
|
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng và ban hành Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026”. Đây cũng là địa phương đi đầu xây dựng KTTH của tỉnh.
Đề án đưa ra 6 mục tiêu áp dụng KTTH thúc đẩy tăng trưởng bền vững huyện Côn Đảo, gồm: không rác thải nhựa, tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn đạt 10-12% giai đoạn 2022-2026; tuần hoàn nước, với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, tăng tỷ lệ tiết kiệm nước; phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng, với mục tiêu là tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ xe điện phục vụ giao thông; bảo tồn đa dạng sinh học, với mục tiêu cụ thể là phục hồi, bảo tồn thiên nhiên trong đó tập trung tăng diện tích trồng và phục hồi rừng, rạn san hô lên 10% -20%; du lịch tuần hoàn, với mục tiêu duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/ năm; giáo dục nhận thức về KTTH.
Theo kế hoạch lưới điện quốc gia sẽ được kéo ra Côn Đảo, nhằm đáp ứng cho sự phát triển của huyện. Trong ảnh: Một góc đường lưới điện khu vực Bến Đầm. |
Cần hình thành du lịch xanh
Để cụ thể 6 mục tiêu trên, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã đề xuất các giải pháp phát triển Côn Đảo theo hướng tuần hoàn như: giải pháp chuyển đổi chất thải hữu cơ thành phân bón, biến chất thải nông nghiệp thành sản phẩm mới có thể bán được trên thị trường, khai thác năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sóng biển); biến rác thải thành tài nguyên; chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng trưởng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế tác động môi trường, gia tăng giá trị sản xuất… Đặc biệt, huyện Côn Đảo cần hình thành du lịch xanh, trong đó lấy Vườn Quốc gia Côn Đảo làm nền tảng thí điểm để huyện thực hiện các sản phẩm du lịch carbon thấp.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, bộ tiêu chí KTTH cho Côn Đảo dựa trên phần lớn các tiêu chí của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế tuần hoàn (OECD) có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Côn Đảo. Bộ tiêu chí được phân thành nhóm chỉ tiêu (môi trường, quản trị, kinh tế và kinh doanh, cơ sở hạ tầng và công nghệ, xã hội - văn hóa). Đối với mỗi chỉ số sẽ phân loại theo lĩnh vực, ngành áp dụng (du lịch, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp - thực phẩm).
Theo Thạc sĩ Thạch Phước Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH cho rằng, để tạo ra một địa điểm độc đáo về tiềm năng môi trường xanh cho Côn Đảo thì cùng với kinh tế, môi trường, xã hội và du lịch, giao thông xanh là một đòi hỏi thiết yếu để xây dựng KTTH. Theo đó, Côn Đảo có thể khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, xe đạp điện và tiết giảm ô tô cá nhân; xây dựng nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ; hỗ trợ giao thông công cộng… Về môi trường, xử lý hoàn toàn rác tồn đọng tại khu Bãi Nhát; tăng tỷ lệ thu hồi, tỷ lệ tài chế, chấm dứt các bãi rác tự phát. Đồng thời, hướng tới đến năm 2026, toàn huyện sẽ cắt giảm 50% nhựa sử dụng một lần, chấm dứt sử dụng túi ni lông.
Các chuyên gia cũng khẳng định ngành du lịch Côn Đảo chiếm tỷ trọng cao nhất (89,95%) trong cơ cấu kinh tế của huyện nên du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp bền vững. Do hình thức du lịch truyền thống được cấu hình theo mô hình kinh tế tuyến tính tận thu nên hiện nay các điểm đến phải gánh chịu những hậu quả gây tổn hại đến môi trường. Do đó, mô hình KTTH cho Côn Đảo cần phải tính đến chiến lược “Du lịch tuần hoàn” nhằm duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 5-10%. Du khách tăng, du lịch - dịch vụ vẫn tăng trưởng nhưng không để lại gánh nặng cho Côn Đảo. Để làm được điều này, Côn Đảo cần phải xây dựng các điểm đến tuần hòa, khách sạn tuần hoàn, xây dựng các tour tuyến không phát thải khí ô nhiễm, không để lại rác thải và không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Côn Đảo cần phải xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa; ban hành các chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền và chương trình hành động về môi trường. Đồng thời, đề xuất Trung ương cho Côn Đảo một cơ chế đặc thù về việc thu phí và chi tiêu về môi trường từ hoạt động du lịch… Song song các nhóm giải pháp về chính sách, Côn Đảo cũng cần một nhóm giải pháp về nguồn nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn du lịch xanh.
Với cách làm, chiến lược trên có thể hình dung và tin tưởng rằng, mô hình KTTH sẽ đóng góp sự phát triển kinh tế huyện Côn Đảo một cách bền vững với những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử tiêu biểu. Đồng thời, bảo đảm khai thác và sử dụng môi trường thiên nhiên có hiệu quả, kết hợp với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, gia tăng giá trị các thành phần kinh tế, trong đó tạo điều kiện để du lịch - dịch vụ trở thành ngành có sức cạnh tranh quốc tế.
Bài, ảnh: QUANG VŨ