NGƯ DÂN KHỐN ĐỐN VÌ "TÀU 67"

Kỳ 2: Gỡ khó cho ngư dân

Thứ Sáu, 10/06/2022, 19:53 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thực trạng nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014 (ND967) của Chính phủ làm ăn thua lỗ, nợ xấu tăng cao, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, đề xuất giải pháp gỡ khó cho ngư dân.

Những con tàu từng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khai thác cao này đều buộc phải nằm bờ.  Trong ảnh: Tàu cá ông Đăng Quang Đực (PK. Hải Trung, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nằm bờ tại Cảng cá Lộc An.
Những con tàu từng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khai thác cao này đều buộc phải nằm bờ. Trong ảnh: Tàu cá ông Đăng Quang Đực (PK. Hải Trung, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nằm bờ tại Cảng cá Lộc An.

Nợ xấu tăng cao

Thống kê từ NHNN chi nhánh BR-VT, tính đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh có 69 tàu vay vốn theo NĐ 67. Trong đó, có 10 tàu dịch vụ hậu cần, 58 tàu khai thác hải sản cùng 1 tàu nâng cấp. Đến nay có 68 tàu đã đi vào hoạt động, tổng số tiền đã giải ngân hơn 1.017 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay đã thu nợ được 210,108 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ xấu 488,746 tỷ đồng, chiếm 60,57% trong tổng dư nợ của chương trình. Cũng theo đơn vị này, đến hết tháng 3/2022, có đến 19 tàu cá đóng theo NĐ 67 hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ được gốc, lãi cho ngân hàng theo cam kết. 29 tàu có hoạt động nhưng không thiện chí hợp tác với ngân hàng để trả gốc, lãi đúng theo cam kết trên hợp đồng tín dụng. Do đó, 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ đối với 8 chủ tàu với 10 chiếc tàu.

Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh BR-VT cho biết, các chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia cho vay cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đối với các chủ tàu. Đồng thời, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 24 tàu. Tuy nhiên, khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu (nhóm 5) trên địa bàn tỉnh vẫn ngày càng tăng cao.

Cũng theo ông Trí, ngoài những nguyên nhân về giá xăng dầu tăng cao, việc đánh bắt khó khăn vẫn có những chủ tàu còn có tâm lý chây ì trong việc trả nợ vay ngân hàng hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đặc biệt, có chủ tàu ý thức trả nợ kém, thiếu hợp tác với ngân hàng, cung cấp thông tin về doanh thu thiếu trung thực, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ vay... Đa phần các tàu đều hoạt động ở vùng biển xa, không cập cảng cố định, khi đánh bắt được thủy sản có thể bán ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc các cảng cá thuận tiện. Việc kê khai thông tin khai thác chủ yếu do chủ tàu tự khai. Bởi vậy, không có cơ sở để xác minh, đánh giá tính đúng đắn của thông tin khai thác thực tế.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế NĐ 67. NĐ 67 mới sẽ được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ trong quý 2/2022, đề xuất Chính phủ xem xét tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bổ sung phạm vi ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% xây dựng hạ tầng thiết yếu cảng cá loại II, khu neo đậu cấp tỉnh. Quy định cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay… Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc trên tàu cá và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu từ 15m trở lên. Thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép nhằm thay thế cho việc thanh toán trước đây phải trải qua nhiều thủ tục…

 

 

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Theo Sở NN-PTNT, NĐ 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thực hiện, NĐ 67 đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hiện tại, hầu hết các chủ tàu cá đều lâm vào tình trạng thua lỗ, cầm chừng, khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng theo như hợp đồng đã ký kết.

Trước những khó khăn trên, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các chủ tàu hoạt động cầm chừng, không có khả năng trả được nợ vay, các chủ tàu chây ỳ, không hợp tác. Qua kết quả làm việc, mặc dù đã tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu về ý nghĩa, ưu đãi theo NĐ 67, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên, đến nay một số chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không còn khả năng trả được nợ, qua làm việc các chủ tàu và theo tâm tư nguyện vọng, chủ tàu đã thống nhất bên Ngân hàng các chi nhánh chuyển hồ sơ khởi kiện vụ việc cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Ngành nông nghiệp cũng đã và đang thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân như tiếp tục tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu về ý nghĩa, ưu đãi theo NĐ 67, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân. Hỗ trợ các chi nhánh ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, đánh giá hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính của các chủ tàu 67 để thu hồi nợ đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ỳ; nhanh chóng thụ lý hồ sơ khởi kiện của tổ chức tín dụng.

Ở góc độ quản lý vốn, NHNN Chi nhánh BR-VT cũng có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm hỗ trợ bà con ngư dân tiếp tục tục vươn khơi bám biển, đồng thời thanh toán các khoản nợ đọng, nợ xấu. Trong đó, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ, sửa đổi NĐ 67 cho phép các tàu dịch vụ hậu cần được kinh doanh xăng dầu trên biển (có cơ chế quản lý riêng) để có nguồn thu trả nợ ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Khi tàu đánh bắt có nguồn thu, trên cơ sở đó Ngân hàng sẽ tiếp tục đề nghị tái cơ cấu nợ, giãn thời gian trả nợ. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện cơ chế cung ứng, đối lưu, trao đổi xăng dầu trên biển đối với các tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

 

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, đơn vị cũng đã tham mưu thực hiện một số kiến nghị lên Chính phủ nhằm gỡ vướng cho tàu 67 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ các chủ tàu, để giúp các ngân hàng thương mại hạn chế rủi ro phát sinh. Các ngành liên quan cần nắm bắt được thông tin về các nguồn thu, nguồn hỗ trợ hợp pháp của chủ tàu để có biện pháp thu hồi nợ phù hợp; chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng đã ký kết để có giải pháp xử lý cụ thể đối với những trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ì. Chỉ đạo các cơ quan thi hành án và các đơn vị liên quan hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ, quản lý, đẩy nhanh tiến độ thi hành án và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay.

Đối với các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có nhu cầu vận chuyển nhiên liệu, dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác xa bờ, ngành kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến, kiến nghị các Bộ, ban ngành có cơ chế, chính sách cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có nhu cầu vận chuyển dầu phục vụ cho các tàu khai thác hải sản xa bờ để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, có khả năng trả nợ cho ngân hàng theo đúng cam kết.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục duy trì hoạt động khai thác hải sản cho tổ chức, cá nhân có năng lực, nhu cầu. Trường hợp đối với các chủ tàu không có khả năng trả nợ, không thể tiếp tục duy trì hoạt động hoặc có biểu hiện chây ỳ, chuyển hồ sơ khởi kiện theo quy định của pháp luật”, ông Hoàng thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.