Ngư dân khốn đốn vì "tàu 67"

Kỳ 1: Làm ăn thua lỗ, nhiều chủ tàu bị khởi kiện

Thứ Năm, 09/06/2022, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều ngư dân dù giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả nhưng sau thời gian đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 đã không thể trả nợ ngân hàng, lâm vào cảnh phá sản.

Nhiều tàu cá đóng theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh đang làm ăn thua lỗ, khó có khả năng trả nợ ngân hàng.
Nhiều tàu cá đóng theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh đang làm ăn thua lỗ, khó có khả năng trả nợ ngân hàng.

Vay tiền đóng tàu rồi... ôm nợ

Năm 2016, 2 con tàu vỏ thép của ông Nguyễn Trường Quang (ngư dân xã Phước Hưng, huyện Long Điền) được đóng theo NĐ 67 hạ thủy và đi vào hoạt động, với tổng số tiền vay ngân hàng hơn 35 tỷ đồng. Ông kỳ vọng 2 con tàu này sẽ vững vàng vươn khơi, hiệu quả khai thác tăng lên và mang lại nguồn lãi lớn cho gia đình.

Trong năm đầu tiên tàu đi vào hoạt động, ông thu lãi 200-300 triệu đồng/chuyến biển và trả được một phần gốc, lãi ngân hàng. Thế nhưng, những chuyến ra khơi tiếp theo ông liên tiếp thua lỗ, tàu khai thác không hiệu quả. Nguồn lợi thu được không đủ trang trải chi phí ra khơi. Bên cạnh việc khai thác không hiệu quả, tàu liên tục gặp sự cố trên biển khi bị tàu giã cào phá lưới, gãy chân vịt, chìm tàu. Việc xử lý, chi trả bồi thường của công ty bảo hiểm kéo dài khiến ông Quang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với dịch COVID-19 kéo dài, tàu cá của ông buộc phải nằm bờ, không thể ra khơi. Không có nguồn thu nhập, trong khi tiền lãi ngân hàng lên tới hàng chục triệu đồng/tháng, khiến ông không còn khả năng chi trả. Gia đình ông đã phải bán gần như tất cả tài sản bao năm tích góp mà vẫn không đủ trả nợ. Căn nhà nhỏ cuối cùng của gia đình ông cũng bị ngân hàng phát mãi. 

Hiện gia đình ông vẫn còn nợ ngân hàng hơn 31,1 tỷ đồng. Tháng 8/2020, ngân hàng đã nộp hồ sơ khởi kiện ông ra tòa. Đồng thời, cũng hoàn thành xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và đang trong quá trình tiếp tục xử lý tài sản là con tàu hình thành từ vốn vay theo quy định.

“Tôi giờ trắng tay, không còn tài sản gì cả. Hiện tôi đã phải đưa vợ con về quê ở nhờ nhà người thân, còn bản thân chạy xe taxi kiếm sống qua ngày”, ông Quang buồn bã nói.

Tàu cá đóng theo NĐ 67 của ông Phạm Ngọc Hoàng, ngư dân TP. Vũng Tàu bị gỉ sét không thể ra khơi.
Tàu cá đóng theo NĐ 67 của ông Phạm Ngọc Hoàng, ngư dân TP. Vũng Tàu bị gỉ sét không thể ra khơi.

Tương tự, tàu BV 91980 TS của gia đình ông Đăng Quang Đực (KP. Hải Trung, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) gần 1 năm nay cũng phải nằm bờ vì liên tục thua lỗ. Theo ông Đực, năm 2017, gia đình ông là một trong những hộ may mắn khi được vay vốn để đóng tàu theo NĐ 67. Con tàu công suất 700CV, đóng với tổng số tiền 7 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng vay theo NĐ 67, còn lại do gia đình ông vay mượn thêm.

Năm đầu tiên, con tàu ra khơi đánh bắt vô cùng hiệu quả và gia đình ông trả được 500 triệu cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc đánh bắt của tàu những năm tiếp theo ngày càng khó khăn, không đủ chi phí trang trải. Đặc biệt, từ năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, sau đó giá xăng dầu liên tiếp tăng phi mã, tàu của ông bị thua lỗ hàng chục triệu đồng mỗi chuyến.

Dù tàu nằm bờ, thế nhưng gia đình ông còn phải gánh khoản nợ 3,5 tỷ đồng, đồng thời phải chi trả 12 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng. Riêng tiền để tàu đậu bến do không ra khơi được, ông cũng phải chi trả 70-80 ngàn đồng/ngày. Ở tuổi gần 70, vợ chồng ông không còn khả năng trả nợ. Mảnh đất nơi ông bà sinh sống cũng đã bị ngân hàng giữ sổ đỏ làm thế chấp khi vay tiền đóng tàu.

“Con tàu từng là niềm hy vọng, mơ ước về tương lai tươi sáng. Song, thực tế lại trái ngược và giờ tôi đang phải gánh đống nợ. Nửa năm nay, tôi chưa thể thanh toán tiền lãi ngân hàng bởi tàu cá nằm bờ, bản thân không có thu nhập gì khác ngoài nghề đánh bắt”, ông Đực chia sẻ.

Trong khi đó, một số tàu dịch vụ hậu cần (vận chuyển, kinh doanh xăng dầu) đóng theo NĐ 67 cũng rơi vào tình trạng thê thảm không kém. Theo đó, từ cuối năm 2019, cơ quan chức năng không cho phép tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển xăng dầu, chỉ được phép vận chuyển đá cây, hải sản nên việc kinh doanh của tàu này vô cùng khó khăn. Hầu hết các tàu nay đã phải nằm bờ vì không có chi phí đầu tư ra khơi.

Theo các ngư dân, nếu tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng dầu để bán lại cho các tàu cá khác trên biển, thì hầu như không có khả năng ra khơi. Bởi, việc chỉ được chở nước đá, vật tư, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm và thu mua hải sản sẽ không đủ chi phí trang trải.

Vì đâu nên nỗi?

Theo các ngư dân có tàu đóng theo NĐ 67, ngoài việc ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch COVID-19 khiến tàu không thể ra khơi trong thời gian qua, nguyên nhân khiến các tàu làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả là do ngư trường ngày càng cạn kiệt, sản lượng đánh bắt không bảo đảm chi phí cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của ngư dân. Trong khi sản lượng đánh bắt giảm mạnh, giá hải sản lại không tăng, khiến các chuyến ra khơi của ngư dân liên tục thua lỗ.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn đến việc tàu cá đóng theo NĐ 67 hoạt động không hiệu quả, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, chi phí cho một chuyến ra khơi đang ngày càng tăng, trong khi đó, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh, ngành nghề đánh bắt không phù hợp tại vùng biển…, dẫn đến việc nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng “thẻ vàng” Ủy ban châu Âu nên hàng hải sản xuất đi ít, chủ yếu là tiêu thụ trong nước nên giá sụt giảm. Ngoài ra, còn có các yếu tố như ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng, lực lượng tham gia lao động trên biển ngày càng thiếu hụt.

Trong khi đó, một số chủ tàu khi tiếp nhận tàu mới vận hành chưa tốt, đặc biệt là những tàu vỏ thép. Trong quá trình hoạt động, tàu gặp trục trặc về trang thiết bị khai thác; việc bảo dưỡng tàu không bảo đảm theo quy định nên hiệu quả khai thác thấp.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

(Còn nữa)

;
.