Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Thứ Hai, 27/06/2022, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27/6, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thường kỳ đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Thu ngân sách đạt 75% dự toán

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Quang Nhật, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, hướng tới thay đổi mục tiêu trong kiểm soát dịch; thực hiện quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, tỉnh đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc điều chỉnh biện pháp phòng dịch đã tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại, dịch vụ của các DN có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, xã hội được triển khai theo kế hoạch.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu sở, ngành, địa phương trong thời gian tới tiếp tập trung rà soát các hạn chế, các chỉ tiêu không đạt trong công tác 6 tháng đầu năm để có các giải pháp khắc phục, tháo gỡ; bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác phối hợp trong xử lý công việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và an toàn xã hội; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến người dân và DN…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương trình các đồ án quy hoạch. Sở Du lịch tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ DN du lịch; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và Quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương rà soát lại tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời và đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, khó khăn trong việc tiếp cận, mua sắm sách giáo khoa.

 

Một số ngành kinh tế của tỉnh đạt được mức tăng trưởng khá và cao hơn so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 28.604 tỷ đồng, tăng 11,43%. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 48,42% so cùng kỳ.

Số DN thành lập mới không ngừng tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh  đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 916 DN thành lập mới, tăng 24% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 7.878 tỷ đồng; đăng ký tăng vốn cho 213 DN, với số vốn tăng 5.509 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6, tổng thu ngân sách đạt gần 75% dự toán, tăng 21,6% với số thu được là 53.364,3 tỷ đồng. Thu ngân sách nội địa cũng đã đạt 67,5% dự toán với số thu 23.380 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là số thu từ chuyển nhượng bất động sản. Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa, từ đầu năm đến nay, số thu ngân sách từ sử dụng đất tại Bà Rịa tăng cao. Nguyên nhân là do người dân lo ngại sắp tới tăng giá đất nên xin chuyển mục đích sử dụng.

PVFCCo là 1 trong những DN trong ngành dầu khí nộp ngân sách cao trong 6 tháng đầu năm.  Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm NPK tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.
PVFCCo là 1 trong những DN trong ngành dầu khí nộp ngân sách cao trong 6 tháng đầu năm. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm NPK tại Nhà máy đạm Phú Mỹ.

Giá xăng tăng ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản xuất

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, có một số chỉ tiêu kinh tế dù có tăng hơn so với cùng kỳ nhưng không đạt được theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Chẳng hạn như giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí), Nghị quyết đề ra tăng 9,82% nhưng lĩnh vực này chỉ tăng 8,71%. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đố Sở Công thương cho biết, một số ngành lĩnh vực sản xuất công nghiệp mặc dù có tăng như: may mặc, kim loại đúc… nhưng không thể kéo lại được hoạt động chung cho toàn ngành. Trong đó, nguyên nhân là do giá xăng  dầu tăng, làm ảnh hưởng đến ngành đánh bắt thuỷ sản, ngành khai khoáng…

Cũng do ảnh hưởng giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian dài, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến các DN ngành vận tải nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển đạt 39,09 triệu tấn, giảm 3%.

Ngành nông nghiệp cũng gặp khó khăn khi giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu liên tục có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành. Thống kê từ ngành Nông nghiệp cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.672 tỷ đồng, tăng 3,82% (trong khi Nghị quyết đề ra là 3,86%).

Nguồn thu từ dầu khí tăng mạnh
Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ giá dầu tăng cao (bình quân 105 USD/thùng) nên số thu ngân sách từ dầu khí cũng tăng mạnh, khoảng 19.780 tỷ đồng, đạt 119,2% dự toán, tăng 92,4% so cùng kỳ. Một số DN trong ngành dầu khí nộp ngân sách cao như: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Liên doanh Việt -Nga (Vietsopetro), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)…

 

Để hoàn thành nhiệm vụ của cả năm, trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình thực tế những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đẩy nhanh các dự án triển khai trong khu công nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa; thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị,...  Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

Về đầu tư của DN, tỉnh sẽ rà soát, phân loại, xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định; thu hồi các dự án chậm đầu tư do nguyên nhân của nhà đầu tư. Tăng cường công tác hậu kiểm; chấn chỉnh, xử lý đối với những dự án thực hiện không đúng với cam kết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.