Doanh nghiệp dệt may đối mặt với nguy cơ chững đơn hàng

Thứ Hai, 27/06/2022, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Dù nhiều DN dệt may trong nước đã có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11 năm nay, song áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, tại các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng, ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý 4, do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho DN và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của DN trong quý 3 và 4.

Chuyên gia phân tích SSI cho rằng, tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra.

Ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 15 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Hoa Kỳ với trị giá xuất khẩu đạt 7,58 tỷ USD, tăng 26,1%, tương ứng tăng 1,57 tỷ USD và đóng góp 57% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Cùng với áp lực lạm phát, căng thẳng Nga-Ukraine chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của DN đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động, chủ yếu với các nhà máy FDI.

Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

DIỆP ANH

;
.