Bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn

Thứ Hai, 13/06/2022, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Các đơn vị chức năng và DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực trồng, bảo vệ rừng ngập mặn (RNM), góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Cán bộ, CNV-NLĐ công ty LSP trồng cây rừng ngập mặn tại khu bảo tồn rừng ngập mặn bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu.
Cán bộ, CNV-NLĐ công ty LSP trồng cây rừng ngập mặn tại khu bảo tồn rừng ngập mặn bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu.

Giữ lá phổi xanh

Những năm gần đây, diện tích RNM có xu hướng giảm do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, suy thoái môi trường… Theo kết quả cập nhật theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2021, tổng diện tích RNM trên địa bàn tỉnh là hơn 2.029ha (không tính rừng trồng mới). Tuy nhiên, so với kết quả kiểm kê rừng năm 2016 thì diện tích RNM giảm 24,14ha. 

RNM phân bổ tại huyện, thị, thành phố như: TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trong đó, TX. Phú Mỹ có diện tích RNM lớn nhất, với hơn 1.047ha. 

Theo ông Trần Giang Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, RNM giảm là do một số khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất; do hiệu chỉnh số liệu diễn biến rừng hàng năm. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng phá rừng.

Lãnh đạo Sở TN-MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Côn Đảo..jpg
Lãnh đạo Sở TN-MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.

RNM ở BR-VT góp phần bảo vệ bờ biển chống xói lở. Bởi hệ thống RNM có hệ rễ chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng, giảm tốc độ dòng chảy vào nội địa khi triều cường; hệ thống các thân, cành và rễ còn giúp kết dính những vật liệu phù sa từ sông mang ra. Đặc  biệt, hiện nay RNM còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh, nhất là phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.

UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí tại khu rừng đặc dụng, phòng hộ”. Theo đó, tổng diện tích rừng ngập mặn quy hoạch cho thuê môi trường rừng để thực hiện du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí dưới tán rừng khoảng 670ha rừng. Các đơn vị chủ rừng đang triển khai thực hiện xét chọn nhà đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí dưới tán rừng.

Lực lượng kiểm lâm TX. Phú Mỹ tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn.
Lực lượng kiểm lâm TX. Phú Mỹ tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn.

Bảo vệ và phục hồi RNM

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và bảo vệ RNM như: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển RNM cho người dân; tăng cường công tác phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thực hiện công tác tuần tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng...

Từ năm 2017 đến nay, BR-VT đã thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với những khu RNM có cây tái sinh chưa đủ tiêu chí thành rừng. 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới 170,49ha RNM tại địa bàn TX. Phú Mỹ (97,5ha), TP. Vũng Tàu (42,99ha) và TP.Bà Rịa (30ha).

Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) là một DN đi đầu trong việc bảo vệ và phục hồi RNM. Ngày 27/5 vừa qua, DN này đã tổ chức trồng 200 cây đước trên diện tích 0,75ha tại khu bảo tồn rừng ngập mặn bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu. Theo lãnh  đạo LSP,  trồng cây xanh là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Với diện tích 0,75ha RNM sẽ trồng trong năm 2022, khi hoàn thành dự án LSP sẽ có tổng cộng 24,3ha RNM có thể hấp thụ khoảng 418 tấn carbon dioxide mỗi năm.

 

“Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, khuyến khích người dân thực hiện mô hình nông lâm ngư kết hợp, đặc biệt là hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trong RNM theo hướng bảo vệ phát triển rừng bền vững; tiếp tục trồng rừng để tăng diện tích RNM, với mục tiêu đến năm 2025, BR-VT sẽ trồng khoảng 100 ha RNM”, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.