"Tỉ phú" khoai mài

Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:16 [GMT+7]
In bài này
.

Trên mảnh đất cát khô cằn tưởng chừng không thể trồng trọt, sản xuất nhưng ông Nguyễn Quốc Tuấn (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) - 52 tuổi, tìm mua giống khoai mài về trồng, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

8ha diện tích khoai mài đang trồng, ông Tuấn thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
8ha diện tích khoai mài đang trồng, ông Tuấn thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khu vườn rộng 8ha ở xã Tóc Tiên, ông Tuấn và công nhân đang hì hục đào, tưới cắt rãnh sâu hơn 1m để thu hoạch khoai mài. Sau khi dùng xe đào và tưới nước áp lực cao, từng hàng củ mài đã bắt đầu lộ diện. Sau khi thu hoạch vụ trước, ông Tuấn cho công nhân cải tạo đất để trồng vụ mới với diện tích tăng lên 30ha. Ông Tuấn cho hay, ông theo đuổi phương pháp sản xuất khoai mài theo hướng hữu cơ để xuất khẩu, nhập cho các chuỗi siêu thị.

“Ở mùa vụ mới, tôi sẽ áp dụng một vài giải pháp mới để nâng sản lượng khoai lên 70 tấn/ha”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, trong suốt quá trình sinh trưởng, cây khoai mài rất ít sâu bệnh. Người trồng chỉ dùng phân hỗn hợp, bón bổ sung vào gốc với chu kỳ 7-10 ngày một lần. Một hệ thống tưới phun được lắp trên các luống để cung cấp nước cho cây vào mùa khô.

Theo ông Tuấn, vườn khoai mài của ông đang thu hoạch cho sản lượng 50-60 tấn/ha. Trừ hết chi phí, ông Tuấn ước tính mỗi ha lãi khoảng 400 triệu đồng. Với 8ha diện tích khoai mài đang trồng, ông Tuấn thu về khoảng 3,2 tỷ đồng.

Thành công này của ông Tuấn được chắt chiu từ một quá trình dài hơn 3 năm vừa trồng vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Ông Tuấn kể, ba năm trước, khi còn kinh doanh các sản phẩm về sức khỏe, cây khoai mài được ông chú ý, bởi giá trị về kinh tế lẫn dược liệu. Cây hoài sơn (củ mài) đã được sử dụng rất nhiều trong chế biến thực phẩm, trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền.

Tinh bột khoai mài có tác dụng kháng lại sự thủy phân của enzyme amylase. Nhờ những tác dụng hữu ích này mà khoai mài có khả năng làm giảm chỉ số HBAP1c; đồng thời giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng tiểu đường do ổn định đường huyết tự nhiên và bền vững. Dịch chiết khoai mài còn ức chế loãng xương, bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chữa ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, di niệu, bạch đới.

Theo ông Tuấn, nguồn dược liệu cây hoài sơn hiện nay trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc với chất lượng không ổn định, nguồn gốc không rõ ràng. Phần còn lại được thu hái trong tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của việc khai thác quá mức và bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn cây thuốc này trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, mô hình trồng hoài sơn là cách phát triển kinh tế, vừa bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu sử dụng làm thực phẩm và dược liệu đang ngày càng tăng cao hiện nay.

Từ những hiểu biết trên, khi đến tham quan một nhà vườn ở huyện Xuyên Mộc, ông Tuấn đã nhen nhóm ý tưởng trồng khoai mài để làm dược liệu. Ban đầu ông đã bỏ ra 7 triệu đồng mua 1.000 cây giống về trồng thử trên khu đất rộng 300m2 của gia đình. Nhưng do lần đầu trồng chưa có kinh nghiệm nên lãi rất ít.

“Vừa trồng vừa nghiên cứu, tôi nhận thấy khoai mài có sức sống rất mãnh liệt, có thể phát triển tốt ở vùng đất cát, đất đỏ. Tôi vừa nghiên cứu các tài liệu trên internet vừa đến nhiều nhà vườn đã trồng khoai mài thành công để học hỏi. Đến đầu năm 2021, tôi quyết định gác việc kinh doanh, dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm để trồng khoai mài thương phẩm. Bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư loại củ dại khiến nhiều người thân hoài nghi. Nhưng tôi rất quyết tâm vì tin mình làm được”, ông Tuấn nói.

Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, ông Tuấn đã thành công với loại cây khoai mài này vì vườn của ông cho năng suất cao, đầu ra ổn định. Đã có, công ty cung cấp cây giống ký hợp đồng bao tiêu không hạn chế số lượng, với giá tại vườn 13.000 đồng/kg, nhiều HTX cũng đến xin hợp tác sản xuất, ông Tuấn có thêm động lực.

Ông Trần Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Phú Mỹ cho biết, từ mô hình trồng khoai mài của ông Tuấn, Hội Nông dân thị xã đang vận động người dân trồng cây lâu năm không có hiệu quả chuyển sang trồng khoai mài để xóa đói, giảm nghèo.

Bài, ảnh: NGỌC TRANG

;
.