PHÁT TRIỂN CHỢ TRUYỀN THỐNG TRONG XU THẾ MỚI

Kỳ 2: Kẹt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt

Thứ Hai, 18/04/2022, 20:14 [GMT+7]
In bài này
.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chợ truyền thống bị lép vé, dẫn đến tình trạng ế ẩm, đìu hiu; trong đó có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng.

Sự phát triển của hệ thống thương mại hiện đại cũng là nguyên nhân khiến sức mua tại chợ truyền thống giảm sút mạnh. Trong ảnh: Mua sắm tại cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn TP. Bà Rịa.
Sự phát triển của hệ thống thương mại hiện đại cũng là nguyên nhân khiến sức mua tại chợ truyền thống giảm sút mạnh. Trong ảnh: Mua sắm tại cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn TP. Bà Rịa.

Chợ tự phát bủa vây

Nhiều năm qua, chợ cóc, chợ tạm mọc lên ở hầu hết các phường của TP. Vũng Tàu, trở thành vấn nạn khó giải quyết của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đáng nói, có phường có từ 2 đến 3 chợ.

Các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến đường Trần Bình Trọng, Trương Công Định, Đô Lương, Cô Giang, Lưu Chí Hiếu… trở thành những “điểm nóng” về trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Chính quyền, lực lượng chức năng nhiều lần vào cuộc xóa bỏ tình trạng này, thế nhưng, dù đã rất quyết liệt nhưng xem ra vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Khảo sát xung quanh các chợ truyền thống như chợ Vũng Tàu, chợ Rạch Dừa, chợ Phường 11, Thắng Nhất… cuối tuần qua cho thấy, những con đường xung quanh đã bị lấn chiếm để buôn bán. Hàng hóa bày trên lề đường, lòng đường, trong khi xe của người đi chợ cũng vô tư dựng dưới lòng đường gây mất trật tự an ninh. Ghi nhận trên đường Bình Giã đoạn gần chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) vào các buổi sáng và cuối giờ chiều có đến cả chục điểm bán hàng tự phát. Từ thịt, cá, trứng, rau củ quả đến các nhu yếu phẩm khác được bày bán trên các vỉa hè, trong nhà. Việc mua bán cũng diễn ra nhanh chóng, dễ dàng.

Bà Trần Thị Hằng, tiểu thương bán thị heo tại chợ Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu cho biết, tiểu thương kinh doanh tại chợ đều phải tuân thủ các quy định như: phải có giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phải đóng các loại thuế phí nhưng khách đến chợ rất ít vì xung quanh chợ đều có các chợ tạm mọc lên. Khách hàng chỉ cần tạt vào là mua được món hàng mình cần, trong khi đó nếu phải vào chợ mua thì phải gửi xe, vừa mất phí, vừa mất thời gian.

Tương tự, xung quanh các chợ ở TP. Bà Rịa, huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức không khó để bắt gặp những điểm bán hàng tự phát ôm lấy chợ. Chẳng hạn, xung quanh chợ Ngãi Giao vào các giờ cao điểm sáng và chiều, tình trạng kinh doanh tự phát này cũng diễn ra nhộn nhịp. Người mua người bán vô tư lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự an toàn giao thông và không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi người bán hàng, nhất là các mặt hàng tươi sống nước ướp cá, mực chảy tràn lan ra vỉa hè, trong khi đó người mua thì vô tư dừng xe ngay dưới lòng đường để mua hàng.

Theo BQL các chợ, tình trạng chợ cóc, chợ tạm là tình trạng chung của nhiều chợ hiện nay và chưa thể xử lý dứt điểm được. Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Long (huyện Châu Đức), bức xúc, dù biết các sạp bán xung quanh chợ sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh của tiểu thương trong chợ nhưng BQL cũng không thể xử lý vì không nằm trong phạm vi chợ. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng bán hàng rong, chợ cóc, chợ tạm này nhưng chỉ như việc “ném đá ao bèo”. Vì khi có lực lượng chức năng kiểm tra, những tiểu thương này chạy dạt sang khu vực khác, còn khi vắng bóng lực lượng chức năng họ lại tràn về buôn bán.

Chợ cóc, chợ tạm mọc lên khắp nơi cũng gây khó cho chợ truyền thống.Trong ảnh: Chợ cóc, chợ tạm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu.
Chợ cóc, chợ tạm mọc lên khắp nơi cũng gây khó cho chợ truyền thống.Trong ảnh: Chợ cóc, chợ tạm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu.

Khó cạnh tranh với chuỗi bán hàng hiện đại

Bên cạnh nguyên nhân bị các chợ tự phát bủa vậy, còn có nguyên nhân đến từ việc khách hàng thay đổi thói quen mua sắm qua mua sắm online hay mua gần nhà qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Theo khảo sát, thời gian qua, tại nhiều thành phố, thị trấn, khu dân cư đông đúc… trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: WinMart+, Co.opFood, Bách hóa xanh… Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất.

Đơn cử như tại khu vực chợ Rạch Dừa, bốn xung quanh chợ có khoảng 4 cửa hàng bán lẻ hiện đại của WinMart+, Bách Hóa Xanh, GS25… mở ra kinh doanh, chưa kể cách chợ khoảng 500m cũng có thêm 3 cửa hàng bán lẻ hiện đại như vậy mọc lên. Các cửa hàng này có không gian mua sắm thoáng mát, tiện lợi, giá cả được niêm yết rõ ràng, thanh toán thuận tiện… nên thu hút người tiêu dùng đến mua sắm hơn. Chưa kể, tại các cửa hàng này còn có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và cả dịch vụ giao hàng tận nơi theo nhu cầu của người mua. Theo các tiểu thương, thời gian giãn cách, nghỉ dịch kéo dài, người tiêu dùng hình thành tâm lý sợ dịch và ngại ra ngoài, nhất là nhiều người đã quen dần với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà, mà không chợ truyền thống nào cũng làm được.

"Tiểu thương rất bức xúc bởi khi vào chợ tiểu thương phải tuân thủ các quy định của nhà nước, bán đúng giá niêm yết, trong khi những người bán tự phát bên ngoài chợ không phải đóng bất cứ khoản thuế, phí nào, thực phẩm. Hàng hóa cũng không ai kiểm soát an toàn thực phẩm. Vì các chợ tự phát này đáp ứng được nhu cầu mua nhanh - bán nhanh và thậm chí là giao hàng tận nhà. Điều này khiến người dân không mặn mà đến chợ truyền thống. Do đó, đề nghị địa phương dẹp các điểm bán tự phát này”.
(Bà Trần Thị Hằng tiểu thương bán thị heo tại chợ Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) 

Chị Phạm Thị Hiền, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho biết, ngoài chợ tự phát, các cửa hàng bán lẻ hiện đại xung quanh chợ cũng là nguyên nhân khiến chợ ngày càng vắng khách. Chị Hiền phân tích, chị bán thịt heo, các siêu thị cũng bán thịt heo. Trước kia, chưa có cửa hàng bán lẻ hiện đại, chị bán vài chục ký thịt heo một ngày là chuyện thường, nhưng nay dù đã giảm phân nửa lượng hàng mà nhiều hôm tan chợ mà vẫn còn hàng.

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Kim Long cho rằng, nếu trước đây ông bà ta có thói quen cầm giỏ đi chợ thì nay người tiêu dùng hiện đại có thói quen ghé vào cửa hàng tiện lợi, siêu thị mua hàng hóa hay đặt hàng trên mạng. Hơn nữa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa tới 21 giờ mỗi ngày, trong khi chợ 18 giờ đã đóng cửa nên nếu có lỡ bữa cũng không thể đến chợ mua sắm. Đó cũng là hạn chế khiến sức mua của chợ giảm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.