.

Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu thủy sản

Cập nhật: 17:19, 18/03/2022 (GMT+7)

Sản xuất, chế biến thủy sản phục hồi trở lại, trong khi đó nhu cầu của thị trường đang rất cao, các DN nhận được nhiều đơn hàng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản tăng trưởng vượt bậc trong năm nay.

Công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải Dương chế biến bạch tuộc xuất khẩu tại xưởng.
Công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải Dương chế biến bạch tuộc xuất khẩu tại xưởng.

Đơn hàng dồi dào

Những ngày này, công nhân các chuyền của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải Dương (phường 12, TP. Vũng Tàu) làm việc hết công suất để kịp xuất các lô hàng đã ký kết với đối tác Hàn Quốc. Ông Lê Văn Huân, đại diện công ty cho biết, DN này có 20 năm chuyên chế biến, xuất khẩu bạch tuộc, mực… sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, dự kiến sản lượng mực, bạch tuộc xuất khẩu từ 300-350 tấn/tháng, tăng hơn 10% so với năm 2021. Để bảo đảm các đơn hàng, DN đã chủ động mở rộng sản xuất và tìm nguyên liệu tốt để tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này. Cụ thể, 50% nguyên liệu được thu mua tại địa phương, 50% còn lại thu mua từ các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ.

Trong khi đó, Công ty CP chế biến XNK thủy sản tỉnh (Baseafood) cũng đang tăng tốc ngay từ đầu năm để bảo đảm các đơn hàng đã ký kết trong năm 2022. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, ngay từ đầu năm, DN đã phải tăng tốc sản xuất để bảo đảm các đơn hàng cho đối tác. Tính hết tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu của DN đạt gần 9 triệu USD và so với cùng kỳ tăng khoảng 30%. Đây là tín hiệu vui để DN nỗ lực sản xuất và hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra. Bên cạnh chủ động nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tỷ lệ chế biến sâu để tăng giá trị trên thị trường thế giới, DN cũng sẽ tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường. “Cùng với các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 là một lợi thế mới nữa để DN tăng sản lượng sang các nước thành viên của Hiệp định này, trong đó có 2 thị trường truyền thống DN đã hợp tác từ lâu là Nhật Bản và Australia”, ông Dũng cho biết thêm.

Theo đánh giá của ngành công thương, trong những tháng đầu năm 2022,  kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 54,85 triệu USD, tăng 61,25%. Nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng này do các DN xuất khẩu thủy sản đã nỗ lực huy động tối đa nguồn lực, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều DN đã hồi phục, hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới và đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành tiến độ các đơn hàng trong năm 2022. Một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh và mở cửa giao thương trở lại. Bên cạnh đó, các DN tận dụng tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có nhiều tiềm năng, thông qua các FTA đã có hiệu lực.

Giúp các DN tận dụng lợi thế từ FTA

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, các FTA được thực thi đã tác động lớn đến nền kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và thủy sản nói riêng sang các nước tham gia hiệp định sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, việc tham gia các FTA giúp cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn, do đó, chi phí sản xuất của các DN được cắt giảm, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tận dụng các lợi thế này, các DN cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng; đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn. Việc gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ cũng là vấn đề được các chuyên gia kinh tế lưu ý.

Ở góc độ cơ quan chức năng, Sở Công thương sẽ theo sát, cập nhật diễn biến thị trường và các chỉ đạo của Bộ Công thương; đồng thời phối hợp với các sở ban, ngành, Hiệp hội DN tiếp tục triển khai, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng xuất khẩu, cũng như tình hình thông quan cho các DN xuất khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.