Nông dân "chóng mặt" vì giá phân bón
Lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá các loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… đồng loạt tăng, có loại biến động giá theo tuần. Như vậy, so với một năm về trước, giá phân bón đã tăng hơn gấp đôi (khoảng 60-70%). Đây được xem là mức giá cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Việc giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của bà con nông dân.
Lợi nhuận sau thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Du, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức giảm một nửa so với trước do giá phân bón tăng. |
Nông dân đứng ngồi không yên
Gắn bó với nghề trồng lúa hơn 30 năm qua, chưa bao giờ ông La Văn Bình, ấp Bắc, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa chứng kiến giá phân bón tăng cao và nhanh như hiện nay. Theo chia sẻ của ông Bình, chỉ trong vòng 1 năm qua, giá phân bón liên tục tăng 8,9 lần. Thậm chí, từ đầu năm 2022 tới nay, giá phân bón cũng đã liên tục có sự thay đổi, mỗi ngày một lên cao.
Nếu như trước đây, 1 bao phân Urê giá chỉ dao động khoảng 350-400 ngàn đồng/bao loại 50 kg, thì nay đã tăng lên tới 1,2 triệu đồng/bao; phân NPK hơn 600 ngàn đồng/bao loại 50 kg, nay đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng/bao; các loại đạm, kali cũng đã tăng lên gấp đôi so với trước đây.
Theo tính toán của ông Bình, trước đây, 1ha lúa sẽ tốn khoảng 6 triệu đồng tiền chi phí phân bón, thì hiện nay con số đầu tư đã phải tăng lên gấp đôi. “Hiện đang là vụ Đông Xuân, vụ mùa quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là vụ đòi hỏi phải có sự đầu tư và chăm sóc kỹ lưỡng hơn, nhưng với tình hình phân bón tăng từng ngày như hiện nay, nông dân chúng tôi rất lo lắng.
Bởi, giá lúa thì vẫn giữ nguyên trong khi các chi phí khác như nhân công, giống, đều tăng. đặc biệt , giá phân bón tăng cao, khiến nông dân chúng tôi đứng trước nguy cơ thua lỗ cao”, ông Bình chia sẻ.
Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Du, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cũng đứng ngồi không yên khi vườn rau của gia đình đang tới thời kỳ bón phân, trong khi giá phân bón thì đang “leo thang” từng ngày. Với mức giá như hiện nay, chi phí đầu tư cho 1ha rau vụ này sẽ tăng thêm khoảng 30-40%.
“Giá phân bón đã tăng gấp hơn 2 lần so với trước, trong khi lượng phân bón cho hoa màu thì không thể giảm, nếu không sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng. Chính điều này đã khiến giá thành sản xuất lúa tăng cao, lợi nhuận của người nông dân giảm chúng tôi vì thế cũng giảm đi 1 nửa. Vụ trước, vườn rau của gia đình tôi cho thu nhập 20 triệu đồng, vụ này chắc chỉ còn được 10 triệu đồng thôi”, ông Du cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thuận Thành, chủ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cho hay, nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới.
Cũng theo bà Thành, giá phân bón liên tục tăng trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân mà các đại lý cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo bà Thành, giá phân bón tăng khiến nhiều nông dân e dè hơn trong việc đầu tư, do đó việc mua bán cũng trở nên ảm đạm hơn.
Nhà máy hoạt động hết công suất
Nguyên nhân dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới; trong đó có giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng. Trước thực trạng này, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã nỗ lực tăng tối đa sản lượng, kịp thời phục vụ cho nông dân.
Lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ cho biết: Để bảo đảm đủ nguồn cung phân bón cho cả nước, từ đầu năm đến nay, các Nhà máy của Công ty luôn vận hành vượt công suất.
Đại lý phân bón Nguyễn Văn Thảnh tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cũng bị ảnh hưởng tới số lượng đơn hàng khi giá phân bón tăng cao. |
Dự kiến trong quý I/2022 tổng sản lượng sản xuất Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ sẽ đạt hơn 260 ngàn tấn. Để đạt được kế hoạch đề ra, ngay từ năm 2021, PVFCCo đã chuẩn bị đủ nguyên liệu Kali, DAP cho sản xuất NPK của cả năm 2022 và nguồn hàng kinh doanh đủ cho 6 tháng đầu năm 2022; đồng thời dự phòng sẵn sàng các phương án thay thế trong trường hợp nguồn cung hoặc chuỗi logistic bị gián đoạn.
Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất phân bón của PVFCCo đạt gần 180 ngàn tấn, vượt so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Sản lượng kinh doanh đạt gần 190 ngàn tấn phân bón và hóa chất các loại. Lãnh đạo PVFCCo cũng khẳng định sẽ bảo đảm lượng hàng sẵn sàng tại từng khu vực, phục vụ cho nhu cầu phân bón tăng cao từ tháng 3 trở đi, khi hầu hết các khu vực trong cả nước bước vào vụ chăm bón.
Trong khi đó, đại diện nhà máy thuộc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng cho biết, công ty đã chuẩn bị đủ nguồn hàng và đa dạng các chủng loại từ urê hạt đục, NPK, Kali, DAP đến phân hữu cơ vi sinh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phân bón cho vụ Hè Thu tới.
Dù rất nỗ lực để bảo đảm cung cấp đủ nguồn cung, tuy nhiên theo một số DN sản xuất phân bón, để “giảm nhiệt” giá phân bón, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón. Giải pháp này là khả thi khi hiện nay gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu thuộc các DN nhà nước.
HÀ AN - HỒNG PHÚC