.

Giải bài toán nguồn lao động

Cập nhật: 18:39, 18/03/2022 (GMT+7)

Là một trong những tỉnh đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động lớn, BR-VT đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cân đối nguồn lao động trước mắt và hướng đến chính sách dài hơi.

BR-VT đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải bài toán về nguồn lao động.  Trong ảnh: Người lao động được kết nối trao đổi thông tin việc làm với DN tuyển dụng thông qua Phiên giao dịch việc làm trực tuyến năm 2022.
BR-VT đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải bài toán về nguồn lao động. Trong ảnh: Người lao động được kết nối trao đổi thông tin việc làm với DN tuyển dụng thông qua Phiên giao dịch việc làm trực tuyến năm 2022.

Tăng kết nối cung- cầu

Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi với nhiều khởi sắc khi nhu cầu tuyển dụng của DN lên tới hàng ngàn NLĐ. Tính riêng tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) tỉnh, từ tháng 1/2022 đến nay, đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của các DN với hơn 8.000 NLĐ. Tuy nhiên, con số thực tế về nhu cầu tuyển dụng của DN lớn hơn nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Huy, Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm-Thị trường lao động, TTDVVL tỉnh cho biết, các vị trí công nhân sản xuất, lao động phổ thông tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn trong thời gian này. Trong đó, tập trung ở các lĩnh vực như: may mặc, sản xuất giày da, thương mại dịch vụ, cơ khí, xây dựng, nhà hàng… Riêng nhu cầu về lao động phổ thông chiếm khoảng 60%. “Hiện các DN đều đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh để giảm thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh kinh tế trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu hồi phục, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động khởi sắc, giúp BR-VT đạt mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội”, ông Nguyễn Trọng Huy nhấn mạnh.

Cùng với nhu cầu tuyển dụng tăng cao, các phiên giao dịch việc làm với hoạt động tuyển dụng bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Tại 2 phiên giao dịch việc làm kết nối trực tiếp và trực tuyến vừa qua, các DN cần tuyển hơn 6.000 NLĐ. Đáng chú ý, ngoài mức lương từ 6 đến 20 triệu đồng, nhiều DN còn đưa ra chính sách đãi ngộ hấp dẫn về chỗ ở, tiền thưởng, xe đưa đón… Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, với hình thức tuyển dụng này, NLĐ chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể truy cập, đăng ký tham gia. Song số lượng NLĐ có nhu cầu kết nối tìm việc làm rất hạn chế. Bức tranh về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc của NLĐ cho thấy, thị trường lao động tại BR-VT đang mất cân đối rõ rệt giữa cung-cầu lao động.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 2 năm 2022.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 2 năm 2022.

Tình trạng mất cân đối về cung-cầu lao động diễn ra nhiều năm nay còn thể hiện “lệch pha” giữa cung-cầu ở các ngành nghề. Thống kê từ TTDVVL tỉnh cho thấy, lực lượng lao động tìm việc tại Trung tâm chủ yếu đã qua đào tạo, có tay nghề và muốn tìm việc giờ hành chính, làm văn phòng. Trong khi, lĩnh vực may mặc, cơ khí và lao động phổ thông… đang cần nhiều nhân lực nhưng nguồn cung lại thiếu.

Khủng hoảng do thiếu lao động trầm trọng buộc DN phải xoay xở đủ cách để duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đại diện Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết, công ty đang thiếu khoảng 600 công nhân may, dù đã xúc tiến việc tuyển dụng ở nhiều kênh. 

Khan hiếm lao động buộc các DN phải tới các tỉnh khác như: Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An… để tìm kiếm nguồn lao động, nhưng vẫn khó tuyển người. Đại diện phụ trách nhân sự Công ty TNHH Dong IN Entech (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, kể từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, công ty đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động ở nhiều bộ phận. Hiện công ty thiếu 500 công nhân may và lao động phổ thông. Dù đăng tuyển dụng online, cử người tới các địa phương trên địa bàn tỉnh phát tờ rơi, treo băng rôn, phát thông báo… và thậm chí đến các tỉnh lân cận như Bình Thuận tìm lao động nhưng chỉ mới tuyển được 20%. Trong khi mức thu nhập bình quân khá hấp dẫn  cho loại hình này, từ 8,5 đến 11 triệu đồng/người/tháng; yêu cầu với NLĐ chỉ cần biết đọc, biết viết và có sức khỏe, chịu khó nhưng quá trình tuyển lao động với công ty vẫn vô cùng khó khăn. Lao động khi tuyển dụng đi làm ngay, với người không biết may, công ty sẽ đào tạo. Công ty còn có các chế độ đãi ngộ khác như tăng tiền thưởng năng suất lên 1 triệu đồng/tháng. Ngoài lương còn có các khoản ưu đãi phụ cấp, tiền giữ trẻ, bữa ăn ca… công ty còn tổ chức thuê nhà ở và bố trí xe đưa đón dành cho lao động ở xa tới nơi làm việc. 

Chăm lo tốt về đời sống, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ... nâng cao lương, thưởng là giải pháp căn cơ hướng tới thu hút nguồn lao động.  Trong ảnh: Công nhân công ty may trong giờ sản xuất.
Chăm lo tốt về đời sống, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ... nâng cao lương, thưởng là giải pháp căn cơ hướng tới thu hút nguồn lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu  trong giờ sản xuất.

Hướng đến chính sách dài hơi

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết, BR-VT nằm trong các tỉnh thiếu lao động trầm trọng khi cung không đủ cầu ở nhiều lĩnh vực. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt BR-VT đang tập trung đẩy mạnh tăng cường kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở sát thực cả về số lượng cần tuyển dụng cũng như nguồn lao động hiện có. Đồng thời, triển khai các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết hợp với trực tiếp… nhằm góp phần hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Cùng với thông tin kịp thời về kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn để NLĐ nắm bắt chính xác và có cơ sở quyết định lựa chọn trở lại thị trường lao động.

Tại TTDVVL tỉnh, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của DN, Trung tâm đang nỗ lực hỗ trợ DN tham gia các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tiếp với NLĐ; mở rộng các phiên giao dịch việc làm liên kết với các tỉnh khác. Đồng thời, thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc và chính sách hỗ trợ của DN cũng như các cơ quan chức năng đối với NLĐ về các xã, phường trên địa bàn tỉnh. TTDVVL tỉnh đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp như sàng lọc thông tin của NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp theo từng nhóm ngành, nghề để kết nối cho DN cần lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm vừa trực tuyến, vừa trực tiếp nhằm tạo cơ hội cho NLĐ và DN “gặp” nhau.

Dự kiến cuối năm, đề án hoàn thành và trình HĐND tỉnh thông qua. Để hướng đến chính sách bền vững trong thu hút lao động thì căn cơ nhất người sử dụng lao động cần có chính sách cạnh tranh về mức lương, mức thưởng đủ hấp dẫn; tính toán áp dụng điều kiện làm việc tốt hơn… Chúng ta cần có cái nhìn sát thực vào đời sống NLĐ để có sự quan tâm, chăm sóc một cách toàn diện từ nơi ăn, chốn ở và những điều kiện tối thiểu khác để thu hút nhân lực. Chỉ khi có lộ trình rõ ràng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về điều kiện tối thiểu này thì mới mong thu hút được NLĐ. Điều quan trọng nữa, để thu hút nguồn lao động là tỉnh cần có những chính sách khuyến khích DN áp dụng tiêu chuẩn quản lý tốt hơn.
(Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐTBXH)

 

Ông Nguyễn Trọng Huy cho biết thêm, đứng trước thực tế này, TTDVVL tỉnh đang nỗ lực triển khai các phiên giao dịch việc làm để đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động trong giai đoạn này. Còn để giải bài toán về nguồn lao động thì yếu tố quyết định nhất vẫn là các chính sách lương, thưởng và phúc lợi đi kèm cần được DN quan tâm. Ví dụ, với đặc thù DN yêu cầu làm ca, kíp và NLĐ phải đứng máy suốt 8 tiếng liền thì mức lương và phúc lợi cần phải cao hơn so với mặt bằng chung mới thu hút được lao động. Trong khi thực tế nhiều DN đưa ra mức thu nhập và đãi ngộ chưa đủ sức hút dẫn tới việc làm lao động rất khó do thu nhập chưa tương xứng với sức lao động của NLĐ.

Cùng với tăng cường kết nối cung-cầu tỉnh cũng tăng cường vai trò hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp, liên hệ với các DN có nhu cầu được hỗ trợ, từ đó xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, ký hợp đồng liên kết đào tạo với DN.

Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm, thực tế thiếu lao động diễn ra nhiều năm nay ở nhiều lĩnh vực. Sở LĐTBXH đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh về giải pháp khắc phục. Hiện Sở LĐTBXH đang triển khai Đề án thu hút nguồn lao động chung cho các ngành, nghề.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
.
.
.