Đặt mục tiêu 90% phương tiện được dán thẻ ETC

Thứ Ba, 08/02/2022, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GT-VT cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với từng địa phương, xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ đảm bảo phấn đấu đến giữa năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80-90%.

Ô tô lưu thông qua Trạm thu phí T3 - Quốc lộ 51 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ). Ảnh: THÀNH HUY
Ô tô lưu thông qua Trạm thu phí T3 - Quốc lộ 51 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ). Ảnh: THÀNH HUY

Bộ GT-VT vừa có báo cáo về triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Cơ quan này cho biết, hệ thống ETC đưa vào hoạt động góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận tiện và niềm tin cho người tham gia giao thông, số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ ngày càng tăng cao. Hiện có hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ. Doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý I/2021 lên 50% trong quý IV/2021.

Về việc hoàn thiện hệ thống, đến thời điểm hiện tại, đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do có tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Trong 113 trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành ETC, có 63 trạm đã lắp đặt 100% các làn thu phí điện tử không dừng (chỉ còn 1 làn hỗn hợp cả thu phí ETC và thu phí MTC).

Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT cho biết, thời gian tới cần lắp thêm 126 làn thu phí. Trong đó 42 làn thuộc các trạm do Bộ GT-VT quản lý, 84 làn thuộc các trạm do địa phương quản lý.

Đối với các trạm thu phí do Bộ GT-VT quản lý, Bộ đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị ETC các làn thu phí còn lại, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.

Đối với các trạm thu phí do các địa phương quản lý, Bộ GT-VT đã có văn bản đôn đốc và làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ.

Về việc lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, Bộ GT-VT cho biết, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự thống nhất của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC. Dự kiến sẽ chính thức áp dụng thí điểm trong tháng 6/2022.

Đối với hệ thống ETC tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc.

Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các dự án này do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn. Do vậy, việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc do VEC quản lý cần có thời gian nhất định và được thực hiện từng bước theo quy định pháp luật. Dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trong quý I/2022, tổ chức lắp đặt, vận hành hệ thống trong quý II/2022.

PHAN TRANG

 
;
.