Doanh nghiệp cảng thủy nội địa nỗ lực phục hồi

Thứ Hai, 24/01/2022, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các DN cảng thủy nội địa đang tìm các giải pháp phục hồi sản xuất, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Cảng Tổng hợp I.C.D Đức Trường
Cảng Tổng hợp I.C.D Đức Trường

Doanh thu giảm 40-50%

Bến thủy nội địa Đức Hạnh (phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ) là một trong số ít cảng thủy nội địa có thể hoạt động ngay khi tỉnh thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách. Đại diện Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thăng Long - TCC, đơn vị đang khai thác bến thủy nội địa Đức Hạnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu của bến thủy nội địa giảm 40% so với năm trước.

Ông Đào Kim Nguyễn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thăng Long - TCC cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội nhiều bến cảng thủy nội địa đã gần như không hoạt động. Do đó, sức phục hồi chậm hơn so với các cảng biển. Hầu hết các DN kinh doanh cảng thủy nội địa đang từng bước khôi phục lại hoạt động dù còn nhiều khó khăn.

Đi vào hoạt động từ năm 2020, giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát nên sản lượng khai thác cảng thủy nội địa của Công ty TNHH TLC Vũng Tàu giảm khoảng 40%. Từ tháng 10/2021, cảng bắt đầu hoạt động trở lại. Do đó, kết thúc năm 2021 cảng chỉ đạt được 60% công suất. Bà Lê Thị Mai Linh, Giám đốc Công ty TNHH TLC Vũng Tàu cho biết,  năm 2021, dịch bệnh kéo dài không những khiến cho sản lượng khai thác DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường.

Thống kê từ Sở GT-VT cho biết, toàn tỉnh hiện có 57 cảng, bến, vùng nước thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các DN bị thiệt hại từ 40-50%. Nhiều bến thủy nội địa phải tạm dừng hoạt động trong suốt thời gian giãn cách xã hội.

Hoạt động khai thác tại cảng thủy nội địa của Công ty TNHH TLC Vũng Tàu giảm khoảng 40%.
Hoạt động khai thác tại cảng thủy nội địa của Công ty TNHH TLC Vũng Tàu giảm khoảng 40%.

Cần có chính sách hỗ trợ DN

Bà Tăng Thị Diễm Thuý, Giám đốc Cảng Tổng hợp I.C.D Đức Trường chia sẻ, ngoài khách hàng truyền thống, cảng đang cố gắng kết nối thêm nhiều khách hàng mới để đẩy nhanh tiến độ khai thác và đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng cảng giai đoạn 2 trong năm 2022. Theo đó, năm 2022, DN sẽ xây kho chuyên dụng chứa nông sản diện tích khoảng 40 ngàn m2, kho chứa hàng tàu xá tương đương 4-5 tấn/m2 sức chứa 200 ngàn tấn/lần.

DN cũng phấn đấu đưa vào hoạt động kho chứa nông sản chuyên dụng lớn tại khu vực miền Nam; đưa tàu 10 ngàn tấn vào hoạt động để nâng công suất bốc dỡ 2 ngàn tấn/ngày, nâng tổng sản lượng lên 1,1 triệu tấn/năm, tăng 40% công suất so với hiện nay.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các DN cảng thủy nội địa là đa số phải vay vốn ngân hàng mà không có tiền trả nợ gốc nên chi phí lãi ngân hàng trả các khoản vay ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN.

Năm 2021, Cảng vụ đường thủy nội địa làm thủ tục cho các phương tiện, tàu biển vào, rời cảng bến thủy nội địa khoảng 9.100 lượt phương tiện, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tổng trọng tải phương tiện 8 triệu tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến năng lực khai thác của các cảng, bến thủy nội địa.

 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển Logistics vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, vận tải đường thủy nội địa đang ngày càng khẳng định là phương thức vận chuyển hàng hóa hiệu quả với chi phí thấp, an toàn cao.

Với các lợi thế đó, Bộ GT-VT xác định phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa là nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực chủ lực của ngành vận tải. Do đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành phối hợp, xây dựng cơ chế ưu đãi cho DN xây dựng cảng thủy nội địa, mua sắm tàu như miễn giảm thuế, tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, không thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy…

“Trong thời gian tới, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, miễn giảm phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hoá được vận chuyển bằng phương tiện thuỷ nội địa tại một số địa phương. Đồng thời, giải quyết các điểm nghẽn, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên hành lang vận tải thuỷ nhằm tạo thuận lợi cho DN đầu tư cảng, bến và phương tiện vận tải hiện đại; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi, tối đa với đường bộ, cảng cạn… góp phần hình thành các cảng đầu mối quy mô lớn, công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm Logistics đường thủy nội địa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.