CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Phục hồi sản xuất nhờ nguồn vốn khuyến công

Chủ Nhật, 09/01/2022, 20:54 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.

Công nhân vận hành máy chiết rót mật ong tại Công ty TNHH Kim Trúc Plus.
Công nhân vận hành máy chiết rót mật ong tại Công ty TNHH Kim Trúc Plus.

Hỗ trợ kịp thời

Năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cơ sở CNNT đã phải tạm dừng hoạt động do nguồn lực dự trữ yếu, sức chống chịu giảm, thậm chí đứng trước nguy cơ giải thể... Trước tình trạng đó, các chính sách khuyến công đã kịp thời tiếp sức để DN, cơ sở CNNT trụ vững.

Là cơ sở CNNT chuyên sản xuất sản phẩm chế biến từ trái sa kê, năm 2021, hộ kinh doanh sa kê Toàn Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và tìm kiếm nguồn lao động. Nguyên nhân là do các sản phẩm sản xuất thủ công nên hình thức và chất lượng còn nhiều hạn chế. Cơ sở cũng không có đủ vốn để đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất. Tháng 11/2021, cơ sở này đã được chương trình khuyến công hỗ trợ 240 triệu đồng để đầu tư một số máy móc thiết bị tiên tiến mới 100% phục vụ sản xuất như máy chần trụng, máy chiên công nghiệp, máy trộn gia vị có gia nhiệt và tủ sấy công nghiệp (tổng giá trị 485 triệu đồng).

Ông Phạm Đông Huy, chủ cơ sở cho biết, việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến sản phẩm từ trái sa kê giúp cơ sở sản xuất được nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường như: snack vị phô mai, snack vị trứng muối, sa kê lăn cốm, sa kê múi cau, trà dược liệu sa kê… Các sản phẩm được đóng gói với thiết kế bao bì bắt mắt, giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được thị trường đón nhận. Ngoài ra, các máy móc này còn giúp cơ sở tăng năng suất gấp 4 lần so với làm thủ công. Đây là điều kiện để cơ sở mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2021, Công ty TNHH Kim Trúc Plus (TX. Phú Mỹ) đã đầu tư mới 1 máy chiết rót mật ong với công suất từ 6-10 sản phẩm/phút và 1 máy đóng gói tự động, công suất từ 30 - 60 sản phẩm/ phút. Tổng mức đầu tư 2 máy 541 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 270 triệu đồng. Theo đánh giá của DN, việc sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, chuẩn hóa quy trình sản xuất đã đáp ứng nhu cầu sản phẩm mật ong chế biến đạt chất lượng cao. Qua đó, DN tăng năng lực, nâng cao uy tín thương hiệu, góp phần tăng doanh thu. Đặc biệt, việc ứng dụng máy móc vào sản xuất giúp giảm 50% lao động ở công đoạn chiết rót.

Bà Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Trúc Plus cho biết, việc đầu tư máy móc đối với DN rất kịp thời, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng để DN phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vừa phục vụ khách hàng, vừa giúp DN tăng năng suất sản xuất, phục hồi kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, cơ sở kinh doanh Sa Kê Toàn Cầu đã có điều kiện đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, cơ sở kinh doanh Sa Kê Toàn Cầu đã có điều kiện đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các đề án đối với các cơ sở sản xuất CNNT trong nhiều năm qua cho thấy, các đề án được triển khai phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, các đề án điểm theo ngành nghề sản xuất sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương đã góp phần tạo sự liên kết, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển CNNT theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo chủ trương phát triển của hoạt động khuyến công. Nhờ đó, các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đủ khả năng cạnh tranh và thay thế hàng nhập ngoại.

Ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm 2021 việc tiếp cận các DN để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ vốn ban đầu rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, các cơ sở CNNT đã quay trở lại hoạt động sản xuất và đề nghị hỗ trợ kinh phí.

Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình khuyến công địa phương và tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí dự kiến hơn 8,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 6 tỷ đồng và kinh phí đối ứng của DN hơn 2,4 tỷ đồng.

Năm 2021, từ nguồn vốn khuyến công tỉnh, 4 cơ sở CNNT đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 912 triệu đồng, thu hút nguồn vốn đối ứng hơn 2,4 tỷ đồng. Thông qua việc hỗ trợ này, các cơ sở CNNT có điều kiện để khôi phục hoạt động kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội, sớm ổn định sản xuất, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương và địa phương để hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất sau dịch bệnh theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.