Gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang bùng lên những cơn “sốt đất”. Cơ quan chức năng lo ngại tình trạng sốt đất hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản.
Nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ xô về huyện Châu Đức tìm mua đất. |
GIÁ ĐẤT LIÊN TỤC TĂNG
1 tháng trước, anh Dương Anh Tuấn (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cùng 2 người bạn xuống huyện Xuyên Mộc tìm mua đất. Qua hẹn với môi giới, nhóm anh Tuấn được dẫn tới xem những lô đất ở khá xa trung tâm huyện như xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Bàu Lâm. Những lô đất này hầu hết đều nằm xa đường lớn, chưa có dân cư. Môi giới chào bán với mức giá 900 triệu - 1 tỷ đồng/lô 1.000m2 chưa có đất ở. Mua xong, anh Tuấn mới vỡ lẽ những khu vực này rất khó bán vì hiện chưa có dân cư, hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ.
Theo giới đầu tư bất động sản, khu vực huyện Xuyên Mộc đã sốt đất từ 2 năm nay và hiện vẫn còn rất nóng, giao dịch sôi động vì nhiều người cho rằng khu vực này tiềm năng, có nhiều dự án du lịch lớn đang triển khai. Vì vậy, giá đất tại Xuyên Mộc không ngừng tăng, ngay cả những khu vực vùng xa trước đây chỉ bán với giá 100-200 triệu đồng/sào thì nay tăng lên gấp nhiều lần. Cơn sốt đất lan rộng từ văn phòng, công sở đến quán cà phê, quán nhậu, ở đâu người ta cũng bàn tán chuyện mua bán đất. Tình trạng này khiến cho những vùng thôn quê vốn bình yên ngày nào, nay trở nên nhộn nhịp người mua-bán đất. Nhiều vườn tiêu, vườn nhãn bị chặt phá để phân lô, đóng cọc, thậm chí người bán, người môi giới còn sơn sẵn số điện thoại ngay mặt đường nhựa… để chào khách.
Các địa phương khác như huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ… trong vài tháng gần đây cũng quay cuồng trong cơn “sốt đất” bởi theo thông tin từ những người làm môi giới, đây là những vùng đất giàu tiềm năng khi có nhiều KCN đang triển khai, các dự án lớn đang được quy hoạch... Chị H., một người làm dịch vụ môi giới tại TX. Phú Mỹ cho hay, giá đất ở đây thay đổi từng ngày. Cuối tuần, nhiều nhà đầu tư từ Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hẹn xuống xem đất nên chị thường bận rộn đến tối muộn.
Để hấp dẫn nhà đầu tư, một số người môi giới tại BR-VT tung tin Sở TN-MT đã có đề xuất UBND tỉnh về việc điều chỉnh bảng giá đất định kỳ 5 năm (2020 - 2024). Theo đó, giá đất nông nghiệp (cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản) khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ sẽ được điều chỉnh tăng 50-60% so với bảng giá đất hiện hành và sẽ áp dụng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, Sở mới xin ý kiến điều chỉnh hệ số giá đất theo 3 phương án. Tính đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có quyết định chính thức về việc điều chỉnh giá đất và mức điều chỉnh là bao nhiêu, theo phương án nào.
Tại TP. Bà Rịa, sau khi có thông tin xã Hòa Long sẽ lên phường trong năm 2022, giá đất đã tăng rất mạnh. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến mua đất khiến thị trường bất động sản tại địa phương này “nóng” lên từng ngày, giá đất tăng hàng chục phần trăm chỉ trong một thời gian ngắn. Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bà Rịa, lượng hồ sơ đất đai Văn phòng tiếp nhận tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm tháng 9, 10/2021 khiến nhân viên văn phòng phải tăng ca, làm việc ngoài giờ hành chính.
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Một lãnh đạo Sở TN-MT phân tích, từ cuối tháng 9/2021, sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, hồ sơ đất đai có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro.
Người dân nên cẩn trọng, tìm hiểu quy hoạch đất đai và thủ tục pháp lý khi mua. Trong ảnh: Dự án “ma” Hồ Tràm Airport City chưa có hạ tầng nhưng đã rao bán và vừa bị UBND tỉnh xử phạt. |
Tình trạng “sốt đất” tại một số nơi thuộc tỉnh BR-VT đã kéo theo nhiều hệ lụy, khi xuất hiện những dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý đã rao bán, thậm chí có dự án “ma” được vẽ trên giấy nhưng đã rao bán cho nhiều người. Gần đây nhất, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Phú Mỹ (trụ sở chính: 41 Lê Duẩn, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) về hành vi rao bán dự án "ma” trên mạng xã hội.
Cụ thể, Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã rao bán các dự án "ma” như khu dân cư Eco City 6, Solar City, Hồ Tràm Airport City trên địa bàn TX. Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ. Qua kiểm tra của Sở TN-MT, các “dự án” do công ty này rao bán thuộc hồ sơ tách thửa của cá nhân, chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép dự án… Chủ đất chỉ trải một lớp thảm nhựa mỏng trên đường cấp phối, trồng một số cây xanh rồi rao bán với giá đất của dự án.
Cũng theo Sở TN-MT, tình trạng “sốt đất” sẽ để lại những hệ lụy lớn cho việc điều hành kinh tế xã hội, kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhà nước phải bỏ ra khoản ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn, đồng thời các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra số tiền lớn hơn để đầu tư vì giá thuê đất tăng. Những điều đó làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, tình trạng “sốt đất” có nguyên nhân từ chiêu trò của nhóm đầu tư, môi giới. Họ tạo lên cơn sốt ảo, từ đó đẩy giá đất lên rất cao nhằm thu lợi. Mặt khác, mỗi khi địa phương công bố quy hoạch, khu vực dự kiến làm dự án hoặc lấy ý kiến để nghiên cứu, quy hoạch thì lập tức giá đất tại các khu vực gần dự án được đẩy lên rất cao. Nhiều người tìm đến các khu vực này tranh thủ mua, gom rồi bán lại để kiếm lợi nhuận.
Để ngăn chặn tình trạng "bong bóng" bất động sản bùng nổ, Bộ Xây dựng vừa đề nghị BR-VT tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường; có giải pháp phù hợp ngăn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống của người dân. Địa phương cần quản lý những người làm môi giới bất động sản và xử phạt nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản vi phạm.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Cần tìm hiểu kỹ pháp lý và quy hoạch sử dụng đất Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN-MT) cho biết, số lượng hồ sơ đất đai 3 tháng cuối năm 2021 có chiều hướng tăng so với trước đó. Cụ thể, trong tháng 10, 11 và 12/2021, Văn phòng đã tiếp nhận 44.736 hồ sơ đất đai các loại, trong đó hồ sơ của các tổ chức, DN là 432 hồ sơ; hộ gia đình, cá nhân là 44.304 hồ sơ. Thời điểm tháng 7, 8/2021, trung bình Văn phòng chỉ tiếp nhận khoảng hơn 1.000 hồ sơ/tháng, chủ yếu qua đường bưu điện. Để hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại và giới đầu cơ “thổi” giá đất thu lợi bất chính, Sở TN-MT khuyến cáo người dân trước khi giao dịch nhà đất nên liên hệ UBND địa phương tìm hiểu kỹ pháp lý và quy hoạch sử dụng đất. |