Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho nông dân.
Sau 2 năm triển khai, Công ty TNHH MTV 4K Fram (4K Farm) đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho 200 hộ dân trên toàn tỉnh. |
ĐẦU RA ỔN ĐỊNH
Trong đợt cao điểm dịch COVID-19 năm 2021, nhiều hộ nông dân phải vứt bỏ rau, trái cây… vì không tiêu thụ được, thiệt hại rất lớn. Thế nhưng, vườn rau của gia đình ông Lê Văn Thiết, ở ấp Bàu Phượng, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ thu hoạch đến đâu vẫn tiêu thụ đến đó. Ông Thiết cho biết, năm 2020, ông ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau với Công ty TNHH MTV 4K Fram (4K Farm) trên diện tích 1.100m2.
Ngoài việc được 4K Farm đầu tư nhà màng với trị giá hơn 300 triệu đồng, sản phẩm rau ăn lá được Công ty bao tiêu với giá ổn định. Nhờ đó, dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho các hộ trong việc tiêu thụ sản phẩm nhưng ông vẫn không phải lo lắng về đầu ra cũng như giá rau. “Trong khi nhiều hộ không bán được thì tất cả rau của gia đình tôi đều được Công ty thu mua hết. Đặc biệt, giá bán vẫn không bị giảm nên tôi yên tâm sản xuất. Hiện nay, vườn rau của gia đình tôi đang cho năng suất ổn định khoảng 2,5-2,8 tấn/1.000m2/lứa, thu nhập ổn định từ vườn rau gần 20 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vẫn yên tâm sản xuất và đáp ứng đủ sản lượng, chất lượng theo yêu cầu từ đối tác”, ông Thiết chia sẻ.
Sau 2 năm, 4K Farm đã xây dựng 217 nhà màng với 200 hộ tham gia trên diện tích 21,7ha. Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH 4K Farm cho biết, với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định, nông dân sẽ yên tâm tập trung sản xuất, bảo đảm sản lượng cung ứng cho thị trường. “Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ cho nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh. 4K Farm không thu mua sản phẩm từ các bên thứ ba không hợp tác, mà chỉ mua từ những đối tác nông dân của dự án. Sắp tới, 4K Farm sẽ tiếp tục liên kết với nhiều hộ dân nhằm mở rộng diện tích nhà màng trên địa bàn tỉnh”, ông Tú thông tin thêm.
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cũng hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ với diện tích 200ha của 150 hộ dân trồng ca cao tại huyện Châu Đức. Ông Nguyễn Bá Hoàng, ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang là một trong những hộ liên kết với Công ty. Ông Hoàng cho biết, không chỉ giúp đầu ra ổn định, khi liên kết với DN, sản phẩm của nông dân cũng được định hướng sản xuất với tiêu chuẩn trồng đạt chứng nhận hữu cơ oganic và VietGAP. Công ty thu mua sản phẩm ca cao hữu cơ oganic của người trồng với giá gấp đôi so với sản phẩm sản xuất theo phương thức thông thường.
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty chia sẻ, để có vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, trong năm 2022, DN sẽ triển khai dự án chuỗi liên kết ca cao trong toàn huyện Châu Đức với tổng diện tích khoảng 500ha. Công ty sẽ tư vấn kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm đạt chất lượng cho bà con nông dân.
Sản xuất chocolate tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). |
NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP HƯỞNG LỢI
Theo Sở NN-PTNT, liên kết trong sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi. Qua đó, sản phẩm được nâng cao giá trị, nông dân tăng thu nhập, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết, DN thu mua nông sản ổn định, hạn chế được rủi ro về giá cả và đầu ra khi thị trường biến động như: Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với nông dân tại huyện Long Điền và cam kết thu mua 100% sản phẩm; Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam đã triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ với 821 nông hộ với 820ha. Trong đó, 673 nông hộ với 738ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn SAN. DN cam kết thu mua 100% sản phẩm và có chính sách thưởng khuyến khích nông dân… Ngoài ra, các loại cây như ca cao, rau các loại, cây ăn quả, cây dược liệu cũng được liên kết tiêu thụ có hiệu quả.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nói trên là hướng đi mang tính bền vững, lợi cho cả nông dân và DN. Do đó, để phát triển, nhân rộng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh cấp mới và quản lý mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục vận động, tuyên truyền người chăn nuôi tham gia vào các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm gia tăng số lượng trại chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết từ 53 lên 60 trại, tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi dưới hình thức liên kết từ 19% hiện tại lên 25% vào cuối năm 2022. Đồng thời triển khai dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt. Dự kiến, trong năm 2022, ngành xây dựng 3 mô hình liên kết mẫu.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng diện tích khoảng 16.260 ha, với sản lượng hơn 56.360 tấn/năm, giá trị sản phẩm ước đạt hơn 1,1 tỷ đồng/năm/ha, chiếm tỷ lệ khoảng 19,5% tổng giá trị sản phẩm cây trồng. Trong chăn nuôi, có 40 cơ sở nuôi heo, 50 cơ sở chăn nuôi gà liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 24,6%, tăng 5,6% so năm 2020. Trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 364ha được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết, tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 29,07%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm khai thác được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết là 2,13%. |