Doanh nghiệp sẵn sàng bước vào năm mới 2022 với khí thế mới

Thứ Năm, 30/12/2021, 20:52 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực tìm biện pháp “thích ứng an toàn”, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh và sẵn sàng tâm thế chủ động bước vào năm 2022. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận ý kiến của đại diện một số DN về những kỳ vọng và đề xuất giải pháp để vượt qua khó khăn hoàn thành mục tiêu trong năm mới.

Cần có chương trình phục hồi kinh tế khả thi

Ông NGUYỄN KHẮC THANH Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa-Phương Đông, chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 3
Ông NGUYỄN KHẮC THANH Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa-Phương Đông, chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 3

Các chuyên gia y tế đã dự báo, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất, đầu tư. Năm 2021, Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng đã chịu tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh. Các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ đang rất yếu sau cơn “bệnh nặng” cần được chăm sóc đặc biệt để có thể sớm phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh để nền kinh tế không bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới. Dựa trên kinh nghiệm của các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên thế giới từ năm 2020 đến nay, chúng ta đã nhận ra rằng không thể an toàn tuyệt đối mà vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào. Do đó, Chính phủ cần ban hành chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch, có lộ trình khả thi và rõ ràng.

Đồng thời, để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh cần xây dựng kịch bản sống chung với virus với các biện pháp phòng dịch, quy tắc giao tiếp xã hội phù hợp trong trạng thái bình thường mới. Các biện pháp phong tỏa, cách ly, điều trị cần phù hợp hơn về thời gian, không gian, địa điểm, cho DN tự quyết định lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh linh hoạt thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Quan điểm xuyên suốt ở đây là “không thể an toàn tuyệt đối mà vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào”.

Song song đó, khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói, chính sách hỗ trợ người dân, DN đã ban hành. Chính phủ cũng cần thực hiện chính sách ưu đãi về thuế cho các DN chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhất là DN hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, ăn uống, lưu trú, du lịch.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Ông NGUYỄN HỒNG PHÚC Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT
Ông NGUYỄN HỒNG PHÚC Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) là một trong hai cụm cảng đặc biệt của cả nước theo Quyết định số 1579/QD-TTg của Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Để tiếp tục vận dụng tối đa tiềm năng thế mạnh phát triển vốn có của cụm cảng này, tạo bước phát triển mới cho kinh tế cảng biển BR-VT, cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho CM-TV. Theo đó, Bộ GT-VT cần xem xét, quy hoạch lại tuyến bến cho một số cảng tại CM-TV như Gemalink, Cái Mép Hạ, cảng trung tâm logistics - những cảng đang hoặc sẽ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai đến 2050.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container (bãi tập kết container), bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại CM-TV, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh như hiện nay. Đồng thời, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan tại CM-TV. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung, từ đó tạo lợi thế và sự khác biệt để giữ chân, thu hút thêm các nhà đầu tư tại khu vực CM-TV nói riêng và các khu công nghiệp tại tỉnh BR-VT nói chung.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh địa phương

Ông HUỲNH CHÍ ĐÔNG HẢI Giám đốc Công ty TNHH Phát triển du lịch Đông Triều
Ông HUỲNH CHÍ ĐÔNG HẢI Giám đốc Công ty TNHH Phát triển du lịch Đông Triều

Khi tỉnh trở lại nhịp sống bình thường theo hướng linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, các DN nói chung, ngành du lịch nói riêng đã có những giải pháp để thích ứng. Để ngành du lịch nhanh chóng hồi phục và phát triển, tỉnh và ngành du lịch có thể thực hiện ngay những giải pháp lớn để kích hoạt du lịch.

Mỗi địa phương trong tỉnh có những nét đặc trưng riêng để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, tại Côn Đảo, có thể phát triển các sản phẩm du lịch đặc hữu biển đảo. Đó là du lịch vừa kết hợp không gian du lịch thiên nhiên và du lịch tâm linh nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch vừa thu hút, vừa hấp dẫn du khách và bền vững với môi trường. Bên cạnh đó, Côn Đảo có nhiều đảo với hệ sinh thái biển đa dạng, nên có thể phát triển du lịch trải nghiệm biển đảo, lặn biển và trải nghiệm môi trường, tham gia các chương trình giáo dục bảo tồn cùng các hoạt động bảo vệ rùa biển và rừng quốc gia Côn Đảo. Đồng thời có thể xây dựng các chương trình sân khấu du lịch với loại hình sân khấu thực cảnh để truyền tải và quảng bá hình ảnh các anh hùng dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương.

Với du lịch nghỉ dưỡng tại Bình Châu - Hồ Cốc - Long Hải - Vũng Tàu, cần tập trung khai thác bờ biển dài và đẹp và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao tính trải nghiệm cho du khách khi đến BR-VT. Ngoài ra, TP. Vũng Tàu có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tham quan thành phố với cung đường ven biển; du lịch sông nước kết hợp với chương trình giáo dục bảo tồn tại xã Long Sơn.

Liên kết các tổ chức thương mại để kích cầu tiêu dùng

Ông TRẦN MINH CẢNH Tổng Giám đốc Công ty CP TM-DV vận tải xây dựng 121
Ông TRẦN MINH CẢNH Tổng Giám đốc Công ty CP TM-DV vận tải xây dựng 121

Sau dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số DN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các DN cũng đã chủ động xoay sở để phục hồi sản xuất. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN dần khởi sắc.

Năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tác động đến tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vì vậy, để DN nói riêng, kinh tế của tỉnh nói chung có những bước phát triển cần có những quyết sách phù hợp. Theo đó, chúng tôi mong muốn tỉnh có các chính sách cụ thể hơn, mạnh hơn, lớn hơn để hỗ trợ DN như: giãn nợ, hỗ trợ lãi vay, cho vay để trả lương cho người lao động trong thời gian DN còn khó khăn và tập trung tái kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách về đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm để kích cầu tiêu dùng cũng như tạo cơ hội để tái hoạt động ngành du lịch địa phương...

Mong có chính sách hỗ trợ nông dân

Bà MAI THANH HOA Chủ nông trại An Farm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ
Bà MAI THANH HOA Chủ nông trại An Farm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ

Trong đợt dịch vừa qua, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân đã nỗ lực rất tốt để chia sẻ với bà con nông dân. Tôi mong rằng, trong năm 2022, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự gắn kết, kết nối giữa cơ quan nhà nước và người dân. Qua đó, khi gặp dịch bệnh, thiên tai, chính quyền sẽ có sự hỗ trợ kịp thời, giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, dịch bệnh trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nông dân. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để nông dân được tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi và được tư vấn kỹ thuật từ các đơn vị có chuyên môn, giúp nông dân cải thiện năng suất. Các sở, ngành, địa phương cần hỗ trợ nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, mua bán nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, công nghệ số… nhằm hạn chế rủi ro, cũng như tác động của yếu tố ngoại cảnh.

Tăng tốc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng

Ông ĐINH TIẾN DŨNG Giám đốc Công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng Ruby
Ông ĐINH TIẾN DŨNG Giám đốc Công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng Ruby

Theo đánh giá của các chuyên gia, BR-VT là địa phương có tiềm năng phát triển bất động nghỉ dưỡng tốt nhất khu vực miền Nam với quỹ đất lớn, đường bờ biển dài, nhiều loại hình nghỉ dưỡng: biển, sinh thái, rừng, nhà vườn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối rất tốt với nhiều tuyến cao tốc, sân bay, đường ven biển…

Để phát triển 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh là du lịch, BR-VT cần đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, đặc biệt là các dự án ở  khu vực Chí Linh - Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu). Bên cạnh đó, các DN cần nhanh chóng hoàn thiện để đưa vào khai thác các sản phẩm nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế đặc biệt là khu vực Hồ Tràm - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) nhằm thu hút du khách quốc tế, du khách hạng sang ở trong nước để quảng bá du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của tỉnh.

Bên cạnh các dự án lớn, BR-VT cũng cần khuyến khích các nhà đầu tư vừa và nhỏ đầu tư các sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng như khách sạn, nhà nghỉ, địa điểm du lịch vui chơi giải trí theo văn hóa, bản sắc địa phương.

Ngoài ra, BR-VT cần kêu gọi các nhà đầu tư cho các mô hình du lịch nghỉ dưỡng đa dạng như sông nước (khu vực Long Sơn - Phú Mỹ), rừng nguyên sinh (Bình Châu - Phước Bửu), leo núi dã ngoại (Núi Lớn-Núi Nhỏ, Minh Đạm…).

Tăng cường đưa nông sản lên sàn điện tử

Bà NGUYỄN THANH TRÚC Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Trúc Plus (ấp Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ)
Bà NGUYỄN THANH TRÚC Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Trúc Plus (ấp Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ)

Sau đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 từ tháng 7/2021, việc tiêu thụ nông sản theo phương thức truyền thống đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Tôi cho rằng việc đẩy mạnh hoạt động mua bán, giao dịch nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử là điều cần thiết. Để làm được điều đó, chúng tôi mong tỉnh thiết lập một gian hàng sản phẩm của tỉnh BR-VT trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki. Các sàn thương mại này lớn, nhiều người biết, dễ tiếp cận khách hàng hơn. Khi tham gia các chương trình hội chợ thương mại, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn cho gian hàng chung nhằm tạo ấn tượng với khách hàng và khẳng định thương hiệu sản phẩm tỉnh nhà.

Ngoài ra, đối với việc xây dựng thương hiệu và phát triển lâu dài, chúng tôi mong tỉnh hỗ trợ trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1, hiện tại mới dừng lại ở việc tập huấn. Đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm trong tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh làm quà tặng. Giới thiệu đến các công ty trong địa bàn tỉnh, hỗ trợ DN trưng bày thông tin hoặc cả sản phẩm ở những khu du lịch do tỉnh quản lý.

Khai thác hải sản theo hướng bền vững

Ông NGUYỄN BÁ NGỌC Chủ tịch HĐQT Công ty CP mực nhảy Biển Đông
Ông NGUYỄN BÁ NGỌC Chủ tịch HĐQT Công ty CP mực nhảy Biển Đông

BR-VT có nguồn cung lớn về ngành khai thác hải sản. Tuy nhiên, một số phương pháp đánh bắt hiện tại đang ảnh hưởng đến môi trường phát triển của hải sản. Hiện nay, ngư dân BR-VT mặc dù có sản lượng khai thác tốt nhưng chưa có phương pháp bảo quản hải sản sau khai thác để bán ra với giá cao, tạo sự cân bằng về nguồn thu nhập cho ngư dân so với công sức mà họ bỏ ra.

Tòa tháp khách sạn nghỉ dưỡng thứ 2 mang tên Holiday Inn Resort Ho Tram Beach (bên phải) đưa vào sử dụng nâng tổng số phòng của Hồ Tràm Strip lên hơn 1.100 phòng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tòa tháp khách sạn nghỉ dưỡng thứ 2 mang tên Holiday Inn Resort Ho Tram Beach (bên phải) đưa vào sử dụng nâng tổng số phòng của Hồ Tràm Strip lên hơn 1.100 phòng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Để phát triển ngành khai thác hải sản một cách bền vững, BR-VT cần có những DN tiên phong trong việc nghiên cứu các phương án bảo quản hải sản sau khai thác, đầu tư cho công nghệ và cùng ngư dân bảo quản ngư trường để cho sản phẩm đầu ra có giá trị cao nhất. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các DN tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và khai thác hải sản có điều kiện tiếp cận vị trí cảng, truyền thông cho người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển, thay đổi phương thức đánh bắt tận diệt…

NHÓM PV KINH TẾ

;
.