.

Làng quê đổi thay nhờ nông thôn mới

Cập nhật: 21:40, 17/12/2021 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo luồng gió đổi mới tích cực, làm thay đổi đáng kể bộ mặt và đời sống người dân nông thôn.

Xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức là một trong những địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức là một trong những địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Làng quê “thay da đổi thịt”

Đi dọc con đường từ Quốc lộ 56 dẫn vào xã Quảng Thành (huyện Châu Đức), chúng tôi cảm nhận được những đổi thay rõ nét của vùng quê này. Những con đường trong xã và liên ấp đã được trải nhựa, bê tông hóa sạch đẹp. Một số trục đường chính đã có đèn chiếu sáng ban đêm, thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn của người dân. Từ sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, chương trình xây dựng NTM thực sự đã trở thành một phong trào sôi nổi, lan tỏa đến từng người dân.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trước nhà đã được bê tông hóa rộng 4m, dài gần 1000m, ông Lê Văn Hồng, ấp Tân Bang, xã Quảng Thành cho biết, cách đây hơn chục năm, đây là con đường nhỏ hẹp, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, trời nắng thì bụi bay mù mịt. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2013 ông Hồng cùng người dân trong ấp đã đồng lòng, tình nguyện hiến đất, cùng chính quyền làm nên con đường bê tông đẹp như bây giờ. “Việc mở đường giúp chúng tôi đi lại dễ dàng hơn, làm ăn theo đó cũng thuận lợi. Vì vậy, khi được vận động hiến đất, gia đình tôi đồng ý liền. Thấy lợi ích lâu dài, ai cũng vui vẻ đồng ý”, ông Lê Văn Hồng nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, nhận thức rõ công tác xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng NTM, 10 năm qua, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2010 - 2021, các xã đã vận động người dân đóng góp 49.081 ngày công lao động, tự nguyện hiến hơn 1 triệu m2 đất, 50.309m tường rào, 148.694 cây trồng lâu năm để làm đường giao thông nông thôn. Tổng giá trị quy đổi thành tiền khoảng 492 tỷ đồng. Các xã đã vận động đóng góp thực hiện 327 tuyến điện thắp sáng, chiều dài 249km, với tổng kinh phí khoảng10,425 tỷ đồng, góp phần thuận lợi trong việc lưu thông, giảm thiểu tai nạn giao thông vào ban đêm.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.  Trong ảnh: Mô hình trồng bơ tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Mô hình trồng bơ tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.

Tại huyện Xuyên Mộc - địa phương vừa được thẩm định hoàn thành chương trình huyện NTM - xác định nông nghiệp là một trong những thế mạnh, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cho các loại nông sản chủ lực.

Ông Tòng Văn Chí, ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc cho biết, trước đây việc chăm sóc vườn nhãn của gia đình ông hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc nên tốn nhiều nhân lực, thời gian nhưng hiệu quả thấp. Cuối năm 2020, ông được chính quyền hỗ trợ vốn 15 triệu đồng không hoàn lại theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cùng với số vốn của gia đình, ông đã đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động. Nhờ hệ thống này, gia đình ông thuận lợi hơn nhiều trong quá trình sản xuất, thay vì phải 3-4 người tưới trong 2 ngày mới xong vườn nhãn, nay ông chỉ cần thao tác mở máy là 30 phút sau, việc tưới cây đã hoàn thành. “Được hỗ trợ vốn trang bị máy móc cho sản xuất, tôi vừa tiết kiệm thời gian, nhân lực, hiệu quả lại cao hơn. Hiện vườn nhãn của gia đình tôi đang cho thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/năm”, ông Chí chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng, thành quả quan trọng nhất trong 10 năm xây dựng NTM huyện Xuyên Mộc đạt được là thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng đáng kể. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 60,99 triệu đồng/người/năm, tăng 3,66 lần so với năm 2010.

Người dân thụ hưởng thành quả 

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định, chương trình xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đầu tư đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, ngành nông nghiệp cũng như văn phòng điều phối, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, chú trọng về giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua các hình thức tổ chức sản xuất. Theo đó, Sở NN-PTNT cụ thể hóa Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ lãi suất cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã xây dựng NTM và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, hỗ trợ trang thiết bị vật tư cho các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để tổ chức sản xuất.

“Chỉ có phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các tiêu chí cần sự đồng lòng của người dân sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ”, ông Cường khẳng định.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động được gần 11.940 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, 1.760 tỷ đồng vốn từ ngân sách, còn lại là vốn DN, người dân. Toàn tỉnh hiện có 46/47 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, 19/47 xã đạt NTM nâng cao. TP. Bà Rịa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Long Điền và Đất Đỏ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. TX. Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức đã hoàn thành xây dựng NTM, hiện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại các xã xây dựng NTM còn 0,09%, 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

 

 

 

.
.
.