.

Cảng biển tăng năng lực khai thác để đón cơ hội mới

Cập nhật: 17:24, 26/12/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) không thể tránh khỏi việc bị sụt giảm sản lượng khai thác. Tuy nhiên, điều đáng mừng là bắt đầu từ tháng 11 đến nay, hoạt động khai thác cảng tại đây đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. 

Cảng Gemalink hiện là một trong những cảng được trang bị các thiết bị hiện đại.
Cảng Gemalink hiện là một trong những cảng được trang bị các thiết bị hiện đại.

Đón thêm 7 tuyến tàu mẹ   

Từ quý III/2021, các cảng tại CM-TV chịu nhiều tổn thất nặng nề khi sản lượng hàng hóa giảm mạnh. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi nhiều DN sản xuất tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong bối cảnh các địa phương ở khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đơn cử như, trong quý III/2021 sản lượng hàng hóa thông qua CM-TV giảm 30%. Một số cảng chịu ảnh hưởng nặng như: Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) giảm 40%, cảng Gemalink giảm 20%, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) giảm 20%. 

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT nhìn nhận, từ 2 góc độ CM-TV bị tác động kép. Một là do các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, các nhà máy bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do dịch. Thứ hai là do đặc điểm của CM-TV là cảng nước sâu dành cho tàu mẹ. Việc ùn tắc tàu ở khu vực Bờ Đông và Bờ Tây Mỹ khiến cho các tàu mẹ quay về CM-TV đều bị chậm. Do vậy, khi bị chậm thì các hãng tàu phải cân nhắc bỏ tuyến. Đây là nguyên nhân chính khiến CM-TV chịu tác động nặng nề hơn các cụm cảng khác. 

Tuy nhiên, từ tháng 11/2021 đến nay, sản lượng khai thác tại các cảng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi các ngành hàng xuất khẩu chính bắt đầu hồi phục. Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) cho biết, cảng Gemalink các hãng tàu CMA, Maersk line cũng đã tăng số chuyến gần sát với mức sản lượng trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư. Hiện hàng tuần có 5 tuyến tàu mẹ ghé Gemalink. Lượng hàng hóa xuất nhập có tốc độ tăng trưởng tốt. Hàng hóa trung chuyển chủ yếu là từ nguồn nội địa và từ nước bạn Campuchia thông qua các tàu feeder và các dịch vụ sà lan kết nối. Sản lượng thông qua của cảng đạt khoảng 700 ngàn TEU. 

Nhờ đầu tư mạnh mẽ để tăng năng lực khai thác, cảng TCIT cũng kết thúc năm 2021 với nhiều kết quả ấn tượng. Trong năm, TCIT tiếp nhận 350 tàu mẹ của 10 tuyến dịch vụ quốc tế kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu và một số các nước châu Á. Sản lượng thông qua cảng trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt gần 2,1 triệu TEU, chiếm 40% thị phần khu vực CM-TV. Tiếp tục giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất cả nước và là cảng có sản lượng thông qua lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT cho biết, TCIT đã biến khó khăn, thử thách của năm 2021 thành cơ hội để triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (e-Port, eDO, thanh toán không tiền mặt, hải quan điện tử), đem đến cho khách hàng sự thuận tiện, minh bạch, nhanh chóng và đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại sự hài lòng về chất lượng dịch vụ. Năm 2021, TCIT đã ghi dấu bằng những sự kiện đi vào lịch sử của TCIT nói riêng và của ngành cảng biển Việt Nam nói chung khi thành công xếp dỡ 15.615 TEU trên tàu MONACO BRIDGE vào tháng 6/2021 và thiết lập kỷ lục năng suất xếp dỡ lên đến 238.08 cont/giờ/tàu cho tàu ONE COLUMBA vào tháng 12 vừa qua. Sản lượng giao nhận trực tiếp tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp tục đầu tư tăng năng lực khai thác

Báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2021 tổng sản lượng hàng container qua cảng CM-TV đạt 4,6 triệu TEU, tăng 9% so với cùng kỳ. Thành tích này đưa CM-TV trở thành cụm cảng có khối lượng hàng container tăng cao nhất nước cùng với các cảng tại Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một thành tích khá ấn tượng là cũng trong năm 2021, có thêm 7 tuyến dịch vụ mới, nâng tổng số tuyến tàu mẹ vào CM-TV lên 31 tuyến, giúp CM-TV trở thành khu vực có tần suất đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á và mức cao ở châu Á. Trước xu thế ngày càng có nhiều chuyến tàu mẹ kích cỡ lớn ghé CM-TV, trong năm qua nhiều DN cũng đã đầu tư để tăng năng lực khai thác để đón cơ hội mới. Đồng thời tối đa hóa hiệu suất bốc dỡ, đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hóa gia tăng thông qua khu vực cảng CM-TV và đạt mục tiêu khai thác hết công suất thiết kế 1,5 triệu TEU.

Theo đó, ngày 13/12 vừa qua, cảng CMIT đã tiếp nhận thêm cẩu bờ STS loại super post-panamax siêu lớn. Đây là cẩu bờ thứ 6 của cảng có trọng lượng 1.500 tấn, sức nâng tối đa 100 tấn và tầm với có thể xếp dỡ đến 23 hàng container trên tàu, đủ năng lực xếp dỡ các tàu loại siêu lớn trọng tải 214.000 DWT mà cảng đang tiếp nhận. Ngoài cẩu bờ STS thứ 6, vừa qua CMIT cũng đã đầu tư thêm 6 xe đầu kéo mới cùng một số thiết bị khác. Cẩu bờ STS thứ 6 này dự kiến hoàn thành lắp đặt, vận hành thử trong tháng 12/2021 và sẵn sàng đưa vào khai thác từ tháng 1/2022. Năng suất xếp dỡ của CMIT hiện ở mức rất cao, trung bình trên 32 container/giờ/cẩu được kỳ vọng sẽ tăng hơn nữa.

Việc cung cấp dịch vụ khai thác cảng chất lượng đẳng cấp thế giới thông qua đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại không chỉ mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng của CMIT mà còn giúp nâng tầm vị thế của cụm CM-TV trong ngành công nghiệp cảng biển thế giới. “Việc đầu tư thêm cẩu bờ siêu lớn và các trang thiết bị khác là kết quả của nỗ lực không ngừng đó của CMIT và là bước đầu quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh khai thác cảng. Điều này giúp CMIT sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng tốt hơn tiềm năng tăng trưởng ngoại thương mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT chia sẻ.

Trong khi đó, cảng Gemalink cũng vừa trang bị thêm 6 cần cẩu bánh lốp E-RTG (Rubber-Tired Gantry) hiện đại. Giàn cẩu E-RTG của Gemalink thuộc thế hệ hiện đại nhất thế giới, sở hữu những tính năng ưu việt: sức nâng dưới khung cẩu lên đến 41 tấn, chiều cao xếp 5+1 tầng container và chiều ngang 7+1 hàng container. Trước đó, vào tháng 3/2021, Gemalink cũng đã trang bị thêm 2 cẩu bờ STS (Ship-to-shore) siêu trường siêu trọng để trang bị cho cảng. Theo kế hoạch, 2 cẩu bờ STS và giàn 6 cẩu RTG hiện đại sẽ được bàn giao cho Gemalink vào tháng 3 và tháng 7/2022. Với việc đầu tư trang thiết bị tối tân, vận hành hiệu quả cao nhất, Gemalink kỳ vọng sẽ lấp đầy công suất ngay trong năm thứ 2 hoạt động.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.