.

Kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 22:07, 24/12/2021 (GMT+7)

Sáng 24/12, Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp cùng Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mô hình nghiên cứu” trên địa bàn BR-VT.

Tỉnh BR-VT đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tăng trưởng xanh.  Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).
Tỉnh BR-VT đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tăng trưởng xanh. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).

Tham dự hội nghị có Thượng tướng, PGS, TS.Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận TW, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, diễn giả. Phía tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành tham dự.

Vai trò của kinh tế tuần hoàn

Tại hội thảo, Thượng tướng, PSG, TS Nguyễn Văn Thành, cho rằng, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều nước trên thế giới hiện đã thực hiện hiệu quả nền KTTH. Một số mô hình nổi bật về KTTH như nuôi trồng thủy sản tuần hoàn tại Trung Quốc, mô hình kinh tế đảo xanh ở Hawaii và làng sinh thái ở Canada; mô hình “vườn nổi” ở Bangladesh và nhà nổi ở Hoa Kỳ, Hà Lan…

Đánh giá vai trò của KTTH trong bối cảnh hiện nay, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, khác với kinh tế tuyến tính (kinh tế truyền thống) dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ra ô nhiễm, suy thoái môi trường, KTTH là mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm hạn chế đến mức tối đa việc phát sinh chất thải. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, KTTH được xác định là hướng đi đúng đắn với các mô hình độc đáo và có hiệu quả cao, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Do đó, KTTH và tăng trưởng xanh là giải pháp nhằm hạn chế tới mức tối đa việc phát sinh chất thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế.

 

BÍ THƯ TỈNH UỶ PHẠM VIẾT THANH
Tất cả vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững 
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Việc áp dụng mô hình KTTH sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đây là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay và là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững. Tỉnh BR-VT luôn kết nối, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển bền vững của các nước tiên tiến, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, pháp luật vì mục tiêu tăng trường xanh và phát triển bền vững. Từ đó triển khai hiệu quả mô hình KTTH, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý vận hành phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

 

Tiềm năng phát triển KTTH tại BR-VT

Đánh giá về tiềm năng phát triển KTTH, tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh BR-VT, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, BR-VT nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 305km chiều dài bờ biển, diện tích thềm lục địa trên 100.000km2 và nổi tiếng với địa danh Côn Đảo. Đây là tiềm năng to lớn và tiền đề cơ bản để phát triển ngành kinh tế biển. Đặc biệt, tiềm năng và tài nguyên thiên nhiên biển đảo, ven biển, lợi thế về cảng nước sâu và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ, kinh tế của biển liên quan tới khai thác dầu khí, du lịch và bảo tồn thiên nhiên, cảng biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản và các ngành dịch vụ đi kèm.

Đề xuất giải pháp phát triển KTTH tuần hoàn tại BR-VT, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, BR-VT cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng không gian biển trong phạm vi quản lý của tỉnh để tránh chồng chéo, giảm thiểu mẫu thuẫn lợi ích và xung đột trong sử dụng không gian cùng vùng biển giữa các bên liên quan. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút và sàng lọc các dự án đầu tư, ưu tiên cho các dự án “xanh” và các dự án thân thiện với môi trường. Kiểm soát tốt các nguồn thải và xử lý rác thải đổ ra biển, đặc biệt là nhấn chìm vật, chất xuống biển.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khuyến khích phát triển các ngành/nghề mới thân thiện và thông minh, thành phố thông minh, năng lượng biển đảo tái tạo, nghề cá giải trí, nuôi biển và dịch vụ logistics, dược liệu biển… phát triển KHCN biển và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đề xuất một số mô hình KTTH tại tỉnh BR-VT như; mô hình KTTH Cảng và Logistics, phát triển kinh tế logistics hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường; Cộng sinh công nghiệp, lựa chọn một số ngành nghề đặc trưng, có thế mạnh để làm thí điểm như công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phục vụ ngư nghiệp, nông nghệp và nông thôn….; mô hình  KTTH gắn với phát triển du lịch; mô hình KTTH gắn với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.