.
NẠO VÉT DUY TU LUỒNG HÀNG HẢI VŨNG TÀU - THỊ VẢI

"Chạy nước rút" về đích

Cập nhật: 22:01, 24/12/2021 (GMT+7)

Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam đang tăng tốc triển khai nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để kịp cán đích trước ngày 31/12/2021 theo đúng kế hoạch. Qua đó, giúp bảo đảm hàng hóa lưu thông thuận lợi tại các cảng biển nhằm phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng dài bởi dịch COVID-19.

Khu vực bãi chứa vật chất nạo vét được tập kết lên KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Khu vực bãi chứa vật chất nạo vét được tập kết lên KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Những ngày này, trên luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, công tác nạo vét duy tu luồng đang bước vào giai đoạn nước rút, không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tiếng tàu cuốc chạy, tiếng cần cẩu lặn ngụp xuống biển xúc bùn đất lên đổ vào các khoang chứa không ngừng vang lên.

Ông Cáp Thanh Liêm, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, tất cả 9 tàu cuốc (xáng cạp), 21 sà lan tự hành, 3 tàu hút phun vật chất nạo vét đang phối hợp hoạt động hết công suất 24/24 giờ dưới dự giám sát chặt chẽ của “mắt thần” - thiết bị tự động nhận dạng tàu thuyền (AIS) và camera ghi hình để thi công sửa sót lõi, bảo đảm độ sâu luồng theo đúng chuẩn tắc thiết kế là -14m, phục vụ nghiệm thu công trình.

Ông Trần Đức Thi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, chủ đầu tư dự án, thông tin thêm, luồng Vũng Tàu - Thị Vải là một trong những tuyến luồng hàng hải quốc gia quan trọng, mật độ tàu thuyền lưu thông cao, đặc biệt là giai đoạn cuối năm và cận Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tàu lớn đến 200.000DWT và tàu container đến 18.000TEU cập cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong tương lai, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cái Mép - Thị Vải còn đón các “siêu tàu” trên 250.000DWT. “Vì vậy, việc nạo vét duy tu luồng hết sức cần thiết, không được phép có sai sót nào dù nhỏ nhất, bởi chỉ cần 1 đoạn cạn là tàu thuyền mắc kẹt không thể di chuyển hoặc phải giảm tải, bớt hàng hóa, chờ con nước lên mới đi được, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cảng, gây thiệt hại về kinh tế”, ông Trần Đức Thi nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về mặt chủ trương, sự quan tâm, tạo điều kiện của UBMD tỉnh, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, trong quá trình thi công còn nhiều vướng mắc về vận chuyển và đổ chất nạo vét, do vị trí bãi chứa nằm sâu trong khu vực sông Mỏ Nhát (thuộc tuyến đường thủy nội địa) có nhiều đăng đáy cá chắn ngang luồng, hộ nuôi trồng thủy hải sản. Theo đó, để công trình cán đích trước ngày 31/12 theo đúng kế hoạch cũng như sẵn sàng cho những mục tiêu, kế hoạch năm 2022, chủ đầu tư mong muốn UBND tỉnh cũng như  cơ quan chức năng hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng, di dời các đăng đáy cá, hồ nuôi trồng thủy hải sản trên sông Mỏ Nhát và khu vực đổ vật liệu nạo vét tại KCN Phú Mỹ 3.

Theo Quyết định số 1423/QĐ-CHHVN ngày 3/11/2021 của Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, các khu vực nằm trong phạm vi duy tu của luồng Vũng Tàu - Thị Vải được nạo vét cao độ đáy đạt -14m với tổng khối lượng nạo vét hơn 436.911m3. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 90,6 tỷ đồng.
Tuyến luồng sông Dinh, đoạn luồng từ biển (giáp với tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu) đến Bến cảng Vietsovpetro nạo vét đến độ sâu -7m. Đoạn luồng từ bến cảng Vietsovpetro đến thượng lưu bến cảng Vinaoffshore 200m được nạo vét đến -5,8m. Đoạn từ thượng lưu bến cảng Vinaoffshore 200m đến vũng quay tàu ngã ba sông cây khế nạo vét đến -4,7m.
Chất nạo vét của toàn bộ dự án được tập kết và đổ lên khu đất thuộc dự án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Công ty Thanh Bình Phú Mỹ) đã được UBND tỉnh thống nhất.

Ngoài ra, theo các DN cảng biển, để các tàu container trọng tải lớn ra vào thường xuyên và chở đầy hàng thì luồng Vũng Tàu - Thị Vải cần độ sâu -15,5m. Trong khi đó, luồng hàng hải hiện chỉ đạt độ sâu -14m sau khi nạo vét. Hạn chế về luồng lạch đã khiến cho các tàu lớn có lúc không thể vào Cái Mép - Thị Vải.  Ông Trịnh Tuấn Dũng, phụ trách khai thác Hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam cho biết, do hạn chế về độ sâu luồng nhiều chuyến tàu mẹ trọng tải từ 140.000-160.000 DWT/14.000 cập Cái Mép - Thị Vải đã phải hủy chuyến. Một số tàu đầy hàng sau khi rời Trung Quốc, Singapore nhưng không thể vào Cái Mép vì luồng không đủ độ sâu, tàu chở hàng không thể trực tiếp cập cảng bốc xếp hàng hóa. Khi luồng không đủ độ sâu cho tàu ra vào cảng, tàu phải nằm tại cảng hoặc neo ngoài phao số 0 để chờ nước thủy triều lên mới có thể vào cảng. Có những tàu phải nằm chờ nước hơn 6 giờ mới có thể ra vào cảng. Thậm chí có tàu phải xếp ít hàng, số hàng hóa còn lại được xếp lên tàu nhỏ chở từ Việt Nam sang các cảng ở Singapore, Malaysia rồi tiếp tục xếp lại lên tàu. Điều này ảnh hưởng đến thời gian hành trình của tàu và làm giảm hiệu quả khai thác tàu. Chưa kể, bình quân mỗi tiếng đồng hồ chờ đợi để vào cảng, chủ tàu sẽ mất thêm hàng chục triệu đồng chi phí nhiên liệu.

Trước những khó khăn đó, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GT-VT về việc triển khai nạo vét luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải. Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT sớm nghiên cứu đầu tư nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào đến bến cảng Quốc tế Cái Mép đạt mức -15,5m để phục vụ tàu trọng tải lớn hành hải, thúc đẩy hoạt động trung chuyển tại Cái Mép trong kế hoạch năm 2021-2022.

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG

.
.
.