Vật giá tăng cao, người tiêu dùng "chóng mặt"

Thứ Tư, 03/11/2021, 20:45 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, giá xăng, giá gas tăng mạnh, kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh. Tình trạng này đang gây áp lực cho người tiêu dùng, bởi giá tăng nhưng thu nhập chưa được cải thiện so với trước.

Xăng, dầu tăng giá khiến giá thực phẩm tăng theo. Trong ảnh: Người dân mua rau tại chợ Phước Lâm, huyện Long Điền.
Xăng, dầu tăng giá khiến giá thực phẩm tăng theo. Trong ảnh: Người dân mua rau tại chợ Phước Lâm, huyện Long Điền.

Áp lực tăng giá

Anh Trần Văn Minh (công nhân, ngụ chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu) phàn nàn, mấy hôm nay thực phẩm, rau củ tăng giá đến “chóng mặt”. “Hôm qua, tôi mua 1 bó rau muống, 1 con cá chim 1kg, ít hành lá, mấy trái cà chua hết gần 200 ngàn đồng, trong khi, cũng với số thực phẩm này cách đây 1 tuần chỉ hết 150 ngàn đồng. Giá thực phẩm leo thang, trong khi đồng lương công nhân của vợ chồng tôi vẫn giữ nguyên, chỉ xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng. Do đó, mỗi lần đi chợ, vợ chồng tôi phải suy tính kỹ.

Không riêng gì người tiêu dùng, các DN cũng kêu trời vì xăng, dầu tăng giá mạnh. Đại diện Công ty TNHH Phương Khoa (DN chuyên sản xuất xúc xích) cho biết: Vừa mở cửa hoạt động chưa bao lâu, giá xăng, giá gas tăng, rồi thực phẩm tăng khiến DN phải gánh thêm các chi phí đầu vào khoảng 20%. Mặc dù khó khăn nhưng DN đang cố gắng giữ mức giá bán như trước. Nếu từ nay đến cuối năm, giá nguyên liệu, nhiên liệu tiếp tục tăng, DN cũng phải xem xét đến việc sẽ tăng giá bán để bù chi phí vận chuyển, mua nguyên liệu.

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ cuối tháng 10 đến nay, ngay khi xăng tăng giá, các loại hàng hóa thực phẩm rau quả cũng lập tức tăng theo, thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg. Chẳng hạn, xà lách 55.000 đồng/kg, cải cúc, cải bó xôi 45.000 đồng/kg, mùng tơi 30.000 đồng/kg, bí xanh 30.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bông cải 60.000 đồng/kg (tăng gần 10.000 đồng). Tương tự, thực phẩm tươi sống cũng nhích giá thêm trung bình 10.000 đồng/kg. Thịt heo giá từ 130 ngàn - 180 ngàn đồng/kg (tăng 10.000 đồng), tôm thẻ giá 210 ngàn đồng/kg (tăng 10.000 đồng), cá chim trắng 130 ngàn đồng/kg (tăng 7.000 đồng)…

Siêu thị đẩy mạnh khuyến mãi

Trong khi giá thực phẩm tại chợ tăng mạnh thì một số siêu thị đã chủ động giảm giá thành, tung chương trình khuyến mãi hỗ trợ người tiêu dùng.

Hệ thống Mega Market Việt Nam có chương trình giảm giá đến 16% nhiều loại thịt heo, rau củ quả Đà Lạt như bắp cải trái tim, ớt chuông vàng, cà chua cherry, khoai lang tím… giảm 13%; trái cây như bưởi, dưa hấu, nhãn… giảm đến 17%; hải sản như: cá diêu hồng giảm 20%, cá hồi nhập khẩu cắt khúc giảm 15%, cá ngừ ngâm dầu, đậu nành giảm 17% và gạo giảm đến 27%.

Một số siêu thị như Lotte, Coop Mart… cam kết bình ổn giá bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, nên khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá thành trong nước. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

“Dự báo giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bộ Công thương, Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021, cũng như giảm bớt khó khăn cho DN, người dân”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.