Bộ GT-VT vừa kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí đường bộ trong 6 tháng đầu năm 2022 cho DN vận tải. Đây là một trong những giải pháp giúp DN vận tải khôi phục hoạt động kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Việc giảm phí đường bộ giúp DN vận tải vơi bớt khó khăn trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bới dịch COVID-19. |
Đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022
Bộ GT-VT vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay. Trước đó, Cục Đăng kiểm đã có văn bản đề xuất Bộ GT-VT về nội dung trên, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh vận tải do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo Thông tư 47/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phí bảo trì đường bộ là một trong 30 loại phí, lệ phí được giảm đến hết năm 2021 để giúp các DN kinh doanh vận tải giảm bớt khó khăn trong tình hình dịch bệnh. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách được giảm phí sử dụng đường bộ hàng tháng, trong thời gian từ 10/8/2020 đến 31/12/2021 (gần 17 tháng). Mức giảm là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải hành khách (tính trên mức phí phải nộp mỗi tháng).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng có ý kiến về việc đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền.
Tiếp sức cho doanh nghiệp vận tải
Phần lớn thời gian năm 2021, hàng trăm xe khách của Công ty TNHH Vận tải Toàn Thắng phải nằm tại bến, bãi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dù vậy, DN vẫn phải tốn chi phí bảo trì phương tiện, phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ, trả lãi suất ngân hàng... Cuối tháng 10, DN mới đưa xe hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động cầm chừng từ 5 đến 10% lượng phương tiện. Tuy nhiên, hành khách rất ít, cộng thêm giá xăng dầu tăng cao đẩy DN vào thế khó khăn chồng chất.
Vì vậy, khi hay thông tin DN thuộc diện được Bộ GT-VT đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ 6 tháng đầu năm 2022, ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty rất mừng. Ông Khanh chia sẻ: “Việc Bộ GT-VT kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục có chính sách giảm phí đường bộ là phù hợp, giúp DN vơi bớt phần nào khó khăn để bù đắp chi phí khác. Đây cũng là cách tiếp sức để DN phục hồi hoạt động vận tải hành khách trở lại”.
Các DN kinh doanh hàng hóa cũng bày tỏ sự phấn khởi khi được giảm phí. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trung Hiếu cho biết: “Hoạt động vận tải của DN gặp nhiều khó khăn, tăng chi phí do dịch COVID-19. Với chính sách giảm phí đường bộ, mỗi phương tiện được giảm 10% phí sử dụng đường bộ đến hết năm 2021, tương đương hơn 1,7 triệu đồng. Số tiền được giảm tuy ít nhưng với DN có cả trăm phương tiện thì lại là khoản tiền không nhỏ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Chính sách này góp phần động viên DN phục hồi, chia sẻ một phần khó khăn khi DN vận tái khởi động trở lại”, ông Trung phân tích.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm cho biết, mức thu phí đường bộ mà các phương tiện phải trả tùy thuộc theo từng loại phương tiện cụ thể mà đơn vị kinh doanh, có mức dao động từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng. Hiện nay, việc giảm phí bảo trì đường bộ được thực hiện tại các Trung tâm Đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN
Biểu phí đường bộ có 8 mức, tương ứng với từng nhóm xe: 130.000 - 180.000 - 270.000 - 390.000 - 590.000 - 720.000 - 1.040.000 và 1.430.000 đồng/tháng. |