Giá lúa thấp, vụ Mùa kém vui

Thứ Sáu, 19/11/2021, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

So với các vụ khác trong năm, việc sản xuất lúa vụ Mùa 2021 gặp nhiều khó khăn hơn do chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, giá bán lúa thấp trong khi chi phí tăng khiến nông dân gần như không có lãi.

Vụ lúa Mùa 2021, nông dân đối mặt nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá lúa giảm.  Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Vụ lúa Mùa 2021, nông dân đối mặt nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá lúa giảm. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Vụ Mùa 2021, nông dân huyện Xuyên Mộc xuống giống gần 990ha lúa, đây cũng là địa phương xuống giống sớm nhất tỉnh. Thời điểm này, nông dân đã bước vào vụ thu hoạch để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sớm.

Ông Trương Văn Bình, ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, vụ này do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại như đạo ôn, sâu đục thân, cháy lá… Nông dân phải tăng cường phun xịt thuốc phòng ngừa cho lúa, khiến chi phí tăng lên. Cũng do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh khiến năng suất lúa vụ này chỉ đạt 4,6-5 tấn/ha, giảm 1-1,5 tấn/ha so với cùng kỳ. Ngoài năng suất giảm, giá lúa vụ Mùa năm nay cũng thấp hơn năm ngoái, dao động từ 4.900-5.600 đồng/kg, giảm 500-800 đồng/kg so với vụ Mùa 2020.

“Năm nay, các loại phân bón đều tăng giá mạnh. Chẳng hạn, năm ngoái, một bao phân Ure chỉ 320 ngàn đồng, nay tăng lên gần 900 ngàn đồng. Giá phân bón tăng khiến các khoản chi phí sản xuất tăng lên 30-40% trong khi giá lúa không hề tăng nên nông dân hầu như không có lãi trong vụ này, thậm chí thua lỗ nếu phải thuê mướn ruộng để canh tác”, ông Bình cho hay.

Ngay từ đầu vụ, ngành chức năng huyện Đất Đỏ đã phối hợp, tuyên truyền đến nông dân thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên lúa, khuyến khích ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Ngoài ra, địa phương cũng đưa các loại giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích... Tuy nhiên, chi phí đầu vào vụ sản xuất này như phân bón, giống, thuốc BVTV, công lao động tăng cao, trong khi giá lúa tại ruộng được thương lái thu mua thấp hơn. Cụ thể, lúa OM 5451 có giá 4.900 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg); lúa OM 504 giá 4.600 đồng/kg (giảm 600 đồng/kg); lúa thơm OM 4900 giá 5.500 đồng/kg (giảm gần 1.000 đồng/kg)... Vì vậy, sau khi thu hoạch, hầu hết nông dân có lãi rất ít, chỉ từ 5-7 triệu đồng/ha, thậm chí thua lỗ nếu thuê mướn ruộng để canh tác.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, ước vụ Mùa 2021 toàn tỉnh xuống giống hơn 9.461ha, năng suất bình quân 49,3 tạ/ha, sản lượng 46.671 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc… Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khiến năng suất vụ Mùa giảm mạnh so với năm ngoái (năm 2020 đạt 5-6,5 tấn/ha). Bên cạnh đó, thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp tăng 40-60%, chi phí vận chuyển tăng cao và thời gian vận chuyển kéo dài, thị trường tiêu thụ bị hạn chế do dịch bệnh COVID-19, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi triển khai vụ mới.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh sẽ xuống giống gần 6.930ha lúa, thời gian gieo sạ dự kiến vụ Đông Xuân sớm từ ngày 15-30/11/2021 và chính vụ từ ngày 1-31/12/2021.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, đặc biệt là áp dụng biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch.

Đối với các loại vật tư phân bón, Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV và các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vật tư nông nghiệp kém chất lượng lưu thông trên thị trường làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Đồng thời kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá trục lợi và có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Về lâu dài khuyến cáo nông dân, các trang trại trồng trọt sử dụng nguồn nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân xanh, phân hữu cơ bón cho cây từng bước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.