Dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn cần phải quyết liệt hơn để thực sự có được những DN lớn mạnh, hiệu quả và là trụ cột của nền kinh tế.
Công ty CP Cấp nước BR-VT là 1 trong 5 DN được giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước. Trong ảnh: Thi công tuyến ống cấp nước tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), tháng 3/2021. |
Khó khăn trong thoái vốn
Hiện nay, UBND tỉnh đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu 16 DN, DN có vốn Nhà nước; trong đó có 2 DN 100% vốn nhà nước (Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh), 14 công ty cổ phần hóa vốn Nhà nước, trong đó có 7 DN có vốn Nhà nước tham gia trên 50% vốn điều lệ và 7 DN có vốn Nhà nước tham gia dưới 50% vốn điều lệ.
Từ đầu năm 2020, Sở Tài chính đã có công văn gửi người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN về việc đôn đốc người đại diện phối hợp với Công ty thực hiện các trình tự, thủ tục thoái vốn. Cụ thể, 7 DN nằm trong lộ trình thoái hết vốn Nhà nước đến cuối năm 2030. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, các khoản góp vốn đầu tư… nên việc thoái vốn tại các DNNN không đạt được kết quả đề ra.
Cụ thể, Nhà nước đang nắm giữ 65% vốn điều lệ Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu. Theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, DN này nằm trong danh mục thoái vốn Nhà nước còn 36% trong năm 2020. Theo đó, số lượng cổ phẩn của Nhà nước thực hiện chuyển nhượng là 1,566 triệu, tương ứng 29% vốn điều lệ DN, giá khởi điểm là 35.100 đồng/cổ phần. Tổng giá trị dự kiến thu được sau khi chuyển nhượng vốn Nhà nước theo giá khởi điểm là 54,966 tỷ đồng. Công ty đã tổ chức bán đấu giá công khai thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia.
Tương tự Công ty CP Dịch vụ đô thị Tân Thành (vốn Nhà nước đang nắm giữ 49,36%); Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (vốn Nhà nước nắm giữ 36%) và Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư phát triển đô thị huyện Long Điền (vốn Nhà nước nắm giữ 30%) cũng đã được yêu cầu thoái hết vốn Nhà nước theo lộ trình đến năm 2030. Tuy nhiên, khi thực hiện đấu giá công khai vốn Nhà nước cũng không có đơn vị đầu tư tham gia.
Để tiếp tục thoái vốn, DN đã chuyển sang thực hiện theo phương thức chào bán cạnh tranh, nhưng cũng không thành công do không có nhà đầu tư nào đăng ký. Do đó, việc thoái vốn DN này phải kéo dài trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, 3 DN đề xuất thoái hết vốn Nhà nước, gồm: Công ty CP Du lịch tỉnh (vốn Nhà nước 58,88%), Công ty CP Công trình giao thông (54,24%) và Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế tỉnh (vốn nhà nước 27%). Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 các DN này vẫn chưa thể thoái vốn do DN gặp khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện được kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hoặc do chưa có phương án sử dụng đất do vướng mắc trong định giá các khu đất đã hết hạn sử dụng.
Riêng Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế tỉnh gặp vướng mắc tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise, đang chờ ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT. Do đó, việc thực hiện thoái vốn tại DN này được đề nghị thực hiện sau khi xử lý xong khu đất 220ha là phần vốn đầu tư của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ
Tại cuộc họp ngày 4/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất việc tiếp tục sắp xếp lại các DNNN và DN có vốn Nhà nước. Trong đó, 7 DN chưa thực hiện thoái vốn hết trong năm 2020 sẽ thoái hết vốn Nhà nước tại DN trong giai đoạn 2021-2025. 5 DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước nắm giữ được tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước như hiện nay, gồm: Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh; Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển (vốn Nhà nước 79,1%); Công ty CP Cấp nước BR-VT (vốn Nhà nước là 36,25%); Công ty CP Cao su Thống Nhất (vốn Nhà nước 51%) và Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa (vốn Nhà nước 76,92%).
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT sẽ sắp xếp theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời chuyển giao đại diện chủ sở hữu Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT về Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thoái hết vốn Nhà nước. Đối với Công ty CP Dịch vụ đô thị và cộng đồng huyện Xuyên Mộc và Công ty CP Xuất nhập khẩu Côn Sơn đang ngừng hoạt động nên không thực hiện sắp xếp.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục đích của việc sắp xếp lại các DNNN và DN có vốn Nhà nước là nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN. Việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn Nhà nước…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, sẽ củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Tiếp tục phát huy vai trò của DN Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng sản xuất, cung ứng nhất là trong ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ.
Để việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN hiệu quả, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin đối với các DN có vốn Nhà nước, bảo đảm cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát.
Bài, ảnh: SONG THƯ