Tăng cường kết nối, hỗ trợ người chăn nuôi heo

Thứ Hai, 25/10/2021, 23:35 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Người chăn nuôi heo thua lỗ nặng do giá heo hơi giảm sâu.  Trong ảnh: Trại chăn nuôi heo gia đình bà Bùi Thị Kim Tuyền xã Bình Giã  (huyện Châu Đức).
Người chăn nuôi heo thua lỗ nặng do giá heo hơi giảm sâu. Trong ảnh: Trại chăn nuôi heo gia đình bà Bùi Thị Kim Tuyền xã Bình Giã (huyện Châu Đức).

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp tăng trưởng 1,04%, trong đó chăn nuôi đạt mục tiêu và giữ đà tăng trưởng 4,2-4,5%. Đến nay, đàn heo đạt trên 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt heo hơi 9 tháng đầu năm đạt 2,9 triệu tấn. 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển, hiện tổng đàn heo thịt trên 6 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn heo thịt của cả nước.

Về giá thịt heo, vừa qua, nhu cầu thịt heo giảm, lượng heo quá tuổi xuất chuồng còn ứ đọng khoảng 30%, tương đương 1,5 triệu con, khối lượng hơn120-160kg/con nên đã giảm còn 30.000-35.000 đồng/kg.

Xác định về nguyên nhân giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT khẳng định, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh trong thời gian dài khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh. Ngoài ra, nguồn cung cũng đang dư thừa khiến giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian qua.

Tại BR-VT, tính đến đầu  tháng 9/2021, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 398.206 con, tăng 1,1% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi đạt 5.378 tấn, tăng 6,8% . Sau thời gian giảm giá sâu xuống mức 38 -40 ngàn đồng/kg, hiện giá heo hơi đã nhích lên mức 40-43 ngàn đồng/kg. Với giá thành hiện tại, người chăn nuôi đang lỗ từ 700-1,5 triệu đồng/con.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương (cám, ngô, sắn...) tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. 

Đồng  thời, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngoài  ra, Bộ  sẽ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Tin, ảnh: PHÚC HIẾU

;
Đồ ăn chó Đồ ăn khô cho chó
.