.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn gia cầm dịp Tết Nguyên đán

Cập nhật: 20:42, 08/10/2021 (GMT+7)

Cuối tháng 8 âm lịch là thời điểm các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do giá thức ăn tăng cao, cùng với nỗi lo đại dịch COVID-19 nên nhiều hộ đã giảm đàn, thậm chí “treo chuồng”.

Thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc đàn gà phục vụ Tết.
Thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc đàn gà phục vụ Tết.

Bình thường như mọi năm, đây là thời điểm ông Lý Trung Văn, xã Suối Rao, huyện Châu Đức thả nuôi hơn 4.000 con gà ri giống Lạc Sơn, Hòa Bình để phục vụ thị trường Tết. Thế nhưng năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cộng với việc giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao buộc ông phải tính toán lại số lượng. Do đó, ông chỉ thả nuôi 3.000 con giống (ít hơn 1.000 con so với năm trước) để bán dịp cuối năm. Theo ông Vân, do ảnh hưởng của dịch COVID-9, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ. Đây là nguyên nhân khiến cho các hộ đều dè chừng trong vụ cuối năm, đa số đều giảm đàn, riêng một số hộ mới, nuôi nhỏ lẻ phải “treo chuồng” vì thua lỗ.  “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chúng tôi đang trong tình trạng vừa nuôi vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Đa số đều lo ngại đầu ra sẽ gặp khó khăn nên không dám mạnh dạn tái đàn như mọi năm”, ông Vân nói thêm.

Cũng trong tâm lý dè dặt, nghe ngóng thị trường, ông Trần Hồng Phong, xã Bình Ba, huyện Châu Đức cho hay, năm nay, số lượng gà giống thả nuôi phục vụ thị trường Tết chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái. Theo ông Phong, ngoài lo ngại về thị trường, việc giá cám tăng khiến chi phí chăn nuôi bị đội lên cao khoảng 10-15% cũng là trở ngại đối với người chăn nuôi trong vụ mới này. Trong khi đó, việc vận chuyển gà đi tiêu thụ ở các tỉnh khác cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi vậy, bà con cũng không dám chăn nuôi nhiều do lo ngại đầu ra gặp khó.

Theo ông Nguyễn Văn Tam, một người có trên 20 năm kinh nghiệm nuôi gà trên địa bàn xã Bình Ba, huyện Châu Đức, chưa năm nào các hộ chăn nuôi chồng chất khó khăn như hiện nay. Giá gà giảm mạnh, không tiêu thụ được, chi phí cho chăn nuôi tăng cao khiến nhiều hộ thua lỗ. Chỉ những hộ nuôi từ 9-10 ngàn con trở lên, đồng thời là đại lý cấp 1 trong việc phân phối thức ăn chăn nuôi mới có thể mạnh dạn tái đàn.

Qua khảo sát của Tổ Công tác 970 cũng cho thấy, chăn nuôi gia cầm giảm do tâm lý của người nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát. Ngay cả những kênh tiêu thụ có tính ổn định như ở các nhà máy chế biến cũng có nhiều đơn vị phải tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh. Gà đến lứa lại không tìm được thương lái thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt nên bị tồn đọng trong trại nuôi khá nhiều. Giá gà thịt lông màu các tỉnh phía Nam còn khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg. Đáng chú ý, hiện 19 tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó trên 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.

Tổ công tác 970 đánh giá, hiện trạng khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vừa qua nếu chưa được cải thiện và còn kéo dài thì sẽ gây đứt gãy chuỗi sản xuất. Và nguy cơ thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 6,5 triệu con. Để hạn chế rủi ro, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2022, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tính toán số lượng tái đàn hợp lý. Đồng thời, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm thức ăn từ ngô, cám, sắn… để giảm chi phí nhưng phải bảo đảm khâu an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh để hạn chế tối đa chi phí sản xuất.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.