Sáng 20/9, gần 250 phương tiện thuyền thúng, đò nan đánh bắt ven bờ của ngư dân huyện Xuyên Mộc đã ra khơi đánh bắt sau 2 tháng nằm bờ để phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn 100 phương tiện của ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã được ra khơi trong sáng 20/9, sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. |
7 giờ sáng 20/9, chiếc thuyền thúng của ông Trần Văn Đức (ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu) đã cập bờ. Gỡ từng con cá tươi ngon trong lưới kéo, ông Đức phấn khởi chia sẻ, chuyến biển đầu tiên sau 2 tháng nghỉ ở nhà chống dịch rất thuận lợi và bội thu. Sau 5 giờ đánh bắt ngoài biển, thuyền của ông Đức thu về gần 1 tạ cá, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Để bảo đảm an toàn và đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19, ngư dân chấp hành mỗi phương tiện chỉ có 1-2 thuyền viên ra khơi, khẩu trang, nước sát khuẩn luôn mang theo chuyến đi. “Hơn 20 năm đi thuyền nan, đây là lần đầu tiên chúng tôi nghỉ đi biển lâu tới vậy. Sáng nay, ai cũng vui mừng, phấn khởi như lần đầu tiên được đi biển. Hy vọng từ nay dịch bệnh sẽ ổn định để ngư dân được ra biển, ổn định thu nhập”, ông Đức chia sẻ thêm.
Rạng sáng 20/9, khoảng 100 thuyền thúng, đò nan với gần 330 ngư dân đánh bắt vùng ven biển của xã Bình Châu đã được ra khơi sau thời gian giãn cách. Theo đó, ngư dân được ra khơi theo quy định ngày đi chẵn, lẻ, mỗi ngày không quá 100 phương tiện. Ngư dân trước khi đánh bắt phải khai báo với Trạm biên phòng Bình Châu và có giấy phép trước khi ra khơi.
Ngư dân xã Bình Châu phấn khởi thu hoạch cá sau chuyến đi biển sáng 20/9. |
Sau vài tiếng ra khơi, hơn 7 giờ sáng, các thuyền thúng, đò nan của xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cũng lần lượt về bờ. Ngư dân ai nấy đều phấn khởi khi gỡ các mẻ lưới đầy tôm, cá, mực. Số hải sản này được bán ngay cho đầu mối thu mua tại bãi hoặc được ngư dân mang vào chợ bán trực tiếp cho người địa phương. Vui mừng khi vừa thu được mẻ cá lớn của chuyến đi biển đầu tiên sau 2 tháng, ngư dân Nguyễn Thanh Tâm (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận) cho hay, chuyến đi biển đầu tiên, thuyền của ông thu hoạch đủ các loại ghẹ, tôm, cá, ước tính được khoảng 2,5 triệu đồng.
Cách thuyền thúng của ông Tâm chừng hơn 2m, ngư dân Hoàng Văn Hưng (ấp Hồ Tràm) cũng vui mừng cho biết: “Đời sống ngư dân chủ yếu dựa vào con tôm, con cá nên khi được đi biển trở lại, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Đây không chỉ là nguồn thu nhập chính, mà còn là cái nghề đã gắn bó cả đời. Để an toàn, chúng tôi tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch, khi trên biển hay lên bờ, luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, tuyệt đối không tiếp xúc với người lạ”.
Huyện Xuyên Mộc có 550 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ gồm các tàu có chiều dài dưới 12m, đò nan và thúng máy. Số lượng tàu thuyền tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Bình Châu, Phước Thuận, Bưng Riềng và TT. Phước Bửu.
Trước đó, UBND huyện đã xây dựng phương án để ngư dân đánh bắt hải sản trở lại trình UBND tỉnh và đã được thông qua. Theo đó, với số lượng tàu đánh bắt hải sản hàng ngày khoảng 250 tàu, TT. Phước Bửu, xã Phước Thuận phối hợp cấp giấy đăng ký cam kết cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ luân phiên. Xã Bưng Riềng cho phép 55 ghe, tàu đi đánh bắt hải sản gần bờ mỗi ngày. Xã Bình Châu cấp giấy đăng ký cam kết cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ luân phiên và bảo đảm không quá 100 phương tiện/ngày.
Bên cạnh đó, tùy theo tình hình phương tiện thuyền thúng, tàu cá kích thước dưới 12m thực tế tại địa phương, UBND các xã, thị trấn phân bổ cho ngư dân đi đánh bắt hải sản bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, những người được phép đi đánh bắt hải sản gần bờ phải thường trú trên địa bàn huyện hoặc là ngư dân đăng ký danh sách đánh bắt hải sản tại địa phương, ký cam kết và được xác nhận của địa phương chỉ đánh bắt hải sản đi-về trong ngày theo thời gian đăng ký và cam kết. Khu vực đánh bắt hải sản trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào thuộc vùng biển huyện Xuyên Mộc.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU