NHỮNG NGÀY LÀM VIỆC ĐẶC BIỆT

Kỳ 3: "Ba tại chỗ" trên các công trình dầu khí

Thứ Sáu, 16/07/2021, 21:30 [GMT+7]
In bài này
.

Để không làm gián đoạn hoạt động, sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đang triển khai thực hiện phương châm “ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ, đối với người lao động trực tiếp tại các nhà máy, dự án, công trình dầu khí. 

 Trung tâm SCADA Điều độ Khí Việt Nam thực hiện quy định an toàn vùng Zone 0
Trung tâm SCADA Điều độ Khí Việt Nam thực hiện quy định an toàn vùng Zone 0

NỘI BẤT XUẤT, NGOẠI BẤT NHẬP

Đó là phương châm phòng chống dịch được Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (NCSP) triển khai hơn một tuần qua. Lãnh đạo NCSP cho biết: Từ ngày 10/7 đến nay, đơn vị đã sử dụng phòng làm việc của bộ phận hành chính để bố trí nhân sự vận hành và nhân sự thuộc các bộ phận liên quan (phòng cháy chữa cháy, nhân viên phục vụ, tài xế,…) ở lại nhà máy sau giờ làm việc. Hiện nay, ở khu vực này thường có 50 người ở lại. Tất cả được sắp xếp khoảng cách an toàn, được bố trí sinh hoạt ở các phòng riêng biệt, tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, cũng như tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Các nhóm trực, kíp trực được tổ chức luân phiên, có dự phòng. Trong ca trực, các vị trí vận hành cũng được quy định cụ thể về  biện pháp tránh nguy cơ lây nhiễm trong giao nhận ca. Nhà máy cũng tạm thời không tiếp nhận nhân sự không liên quan ra/vào. Thời gian nghỉ ca, nhân viên công ty vẫn thực hiện các công việc thường ngày, tổ chức họp online, chia sẻ các chương trình sống vui khỏe, đọc sách, nghe... Mạng thông tin bảo đảm thông suốt. Trước đó, NCSP đã phải sắp xếp cho nhân viên văn phòng chuyển sang chế độ làm việc từ xa.

Trong khi đó, tại Trung tâm Điều độ Khí (ĐĐK, đơn vị trực thuộc PV GAS) Việt Nam, ngay từ đầu tháng 6 đến nay đã thực hiện khoanh vùng an toàn bậc 1 (Zone 0), tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cách ly để bảo vệ khu vực điều hành trọng yếu cho toàn bộ hệ thống khí cả nước.

ĐĐK Việt Nam là đầu não điều hành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và phân phối khí quốc gia. ĐĐK được vận hành liên tục theo thiết kế SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition- hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu và điều khiển từ xa). Đây là một trong những hệ thống điều hành từ xa hiện đại và tối ưu bậc nhất tại Việt Nam, đặt tại trụ sở của PV GAS.

Hệ thống SCADA kết nối với 9 giàn khoan, 17 trạm valve và phân phối khí với các chức năng: thu thập số liệu, giám sát toàn bộ quá trình vận chuyển khí từ các giàn khoan khai thác ngoài khơi. ĐĐK cũng thực hiện giám sát và điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất chế biến khí (nhà máy GPP Dinh Cố và Cà Mau), vận chuyển, lưu kho sản phẩm LPG lạnh tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu và cung cấp đến nơi tiêu thụ. Với nhiệm vụ quan trọng và liên tục 24/7 đó, ĐĐK Việt Nam được xác định là “Vùng đảm bảo an toàn tuyệt đối” – Zone 0 trong mức an toàn công trình khí. Theo quy định, Zone 0 là “Vùng bất khả xâm nhập” nhằm đảm bảo cách ly tuyệt đối với dịch bệnh. Khi đạt ngưỡng báo động dịch bệnh kích hoạt Zone 0 thì đối tượng được phép ra/vào Zone 0 cực kỳ hạn chế. Toàn bộ ê kíp làm việc từ Trưởng Trung tâm đến các vận hành viên, nhân viên xử lý sự cố... đều phải thực hiện cách ly ngay tại Trung tâm.

Anh Vũ Văn Hà, Trưởng ca ĐĐK cho biết: Đây là giai đoạn đặc biệt. Tất cả phải điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Toàn bộ Trung tâm thực hiện chia 2 ca làm việc thay nhau, mỗi ca 12 tiếng (ca sáng từ 7h đến 19h, ca đêm từ 19h đến 7h sáng hôm sau). Điều này không mới ở Trung tâm, nhưng khi thực hiện Zone 0, chúng tôi vẫn phải sắp đặt lại kế hoạch sống và làm việc mới, khắc nghiệt hơn. “Tất cả chúng tôi chưa bao giờ phải sống và làm việc trong điều kiện như thế. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu”, anh Hà chia sẻ.

Trong vùng Zone 0, mọi người chỉ có 2 vị trí sinh hoạt. Những người đang trong ca trực thì ở Trung tâm SCADA. Bộ phận nghỉ ca thì lưu trú tại khu vực “dã chiến” được thiết lập riêng trên tầng thượng của tòa nhà trụ sở PV GAS. Khi hết ca trực trở về, anh em có một số giải trí đơn giản tại chỗ.

Một số đơn vị như: Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cũng triển khai phương án không đổi ca thường xuyên cho các cán bộ, kỹ sư, người lao động trên các giàn khoan, công trình dầu khí. Cá biệt như dự án Bir Seba (Algeria) do điều kiện công trình dầu khí ở nước ngoài nên hơn 1 năm qua, các cán bộ biệt phái tại dự án đã phải bám trụ, làm việc liên tục.

ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH KINH TẾ

Nhờ triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch, ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra nên từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng PVN và các đơn vị thành viên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất- kinh doanh ổn định, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, trở thành điểm sáng của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 299 ngàn tỷ đồng, tăng 22%; nộp ngân sách 45,2 ngàn tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 21,3 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN khẳng định,  một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới của Tập đoàn và các đơn vị thành viên là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đồng thời đẩy mạnh phối hợp, tìm nguồn vắc-xin để tiêm cho CBCNV trong toàn Tập đoàn vì mục tiêu an toàn cho người lao động, an toàn sản xuất kinh doanh. Với phương châm “ba tại chỗ” đang được triển khai sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, cùng sự đồng lòng, quyết tâm cũng như sự sẻ chia, tinh thần trách nhiệm vì công việc của tập thể người lao động dầu khí, chắc chắn rằng, PVN  sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục là điểm sáng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.