NHỮNG NGÀY LÀM VIỆC ĐẶC BIỆT

Kỳ 1: "Cắm chốt" tại nhà máy

Thứ Tư, 14/07/2021, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, các DN trong KCN đã kích hoạt phương án vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Nhiều DN “cắm chốt” ngay tại nhà máy với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Anh Trương Thanh Nhân, công nhân xưởng Ammonia, Nhà máy đạm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) trở vào lều nghỉ ngơi sau ca làm việc.
Anh Trương Thanh Nhân, công nhân xưởng Ammonia, Nhà máy đạm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) trở vào lều nghỉ ngơi sau ca làm việc.

3 TẠI CHỖ

17 năm làm việc tại Nhà máy đạm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ), anh Nguyễn Mạnh Hà, công nhân xưởng điện chưa bao giờ nghĩ đến ngày cùng anh em nhà máy bung lều làm chỗ ngủ, ăn uống, sinh hoạt tại công ty để duy trì sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, anh Hà cho biết, từ ngày 31/5, anh cùng 400 đồng nghiệp xách va li vào sinh hoạt tại “ngôi nhà chung” của nhà máy với tinh thần “3 tại chỗ”. Đó là sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. “Với công nhân thì việc tăng ca, làm đêm là bình thường. Nhưng dựng lều ăn, ngủ, nghỉ tại nhà máy thì đó là những ngày làm việc đặc biệt, những trải nghiệm đáng nhớ của chúng tôi ”, anh Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy đạm Phú Mỹ thông tin thêm, nhà máy đã bố trí hội trường 400 chỗ thành “lều dã chiến” để làm nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, công nhân lao động trực ca. Mỗi người đều có lều riêng, bố trí khoa học, mỗi công nhân 1 lều, được xếp đặt cách nhau 1m. Khu sinh hoạt của công nhân cũng có đầy đủ các tiện ích như điều hòa, ti vi, sách, khu vực đi bộ, dụng cụ thể thao để thư giãn, luyện tập khi có nhu cầu.

Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) là một trong những đơn vị đầu tiên của Tổng Công ty Phát điện 3 bố trí cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc tập trung và ở lại tại các khu nhà của công ty từ ngày 10/5. Theo đó, 143 cán bộ công nhân viên công ty đã “cắm chốt” tại nhà máy, bảo đảm luân phiên, có dự phòng hết ca sẽ quay lại khu phòng ở tập trung của Công ty. Trong suốt thời gian này, tất cả các nhà máy phải thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa duy trì ổn định sản xuất 24/24h, đáp ứng tốt phương thức huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, góp phần cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, vừa phòng chống dịch COVID-19 không để lây lan vào các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Thống kê cho thấy, hiện có gần 20 DN tại các KCN trên địa bàn đã bố trí cho khoảng 3.000 lao động lưu trú tại công ty. Các DN đã chuyển đổi công năng hội trường, nhà ăn, khu vực sản xuất thành chỗ ăn, ở cho công nhân và lắp đặt hệ thống lều ngủ, nhà ngủ thông thoáng, có điều hòa nhiệt độ… Ngoài ra, người lao động còn được DN phục vụ miễn phí 3 bữa ăn/ngày. Một số DN còn hỗ trợ thêm từ 50-200 ngàn đồng/ngày/người và 100 ngàn đồng tiền điện thoại/tháng. Người lao động khi vào làm việc tại nhà máy phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đồng thời, cam kết ở lại làm việc, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của các cơ quan chức năng (trừ trường hợp đặc biệt). Khi hết 15 ngày, công nhân quay trở về nhà quản lý tương tự như F2.

Toàn tỉnh hiện có 64.418 người lao động làm việc tại các KCN. Trong đó có 33.565 lao động ngoài tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dịch COVID-19 tại BR-VT đang phức tạp và nguy cơ cao được xác định là các trường hợp đến từ ngoại tỉnh. Thế nhưng hiện mới chỉ có 3.000 người được DN sắp xếp, bố trí ăn ngủ tại chỗ. Số còn lại vẫn đi về hàng ngày giữa Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đến BR-VT hoặc thuê nhà trọ.
Tại cuộc họp trực tuyến triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong các KCN, CCN vào ngày 5/7, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, các KCN, nhà máy đan xen khu dân cư, nhà trọ khiến dịch dễ lan nhanh nếu xảy ra ca bệnh. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị các DN tính toán, sắp xếp cho công nhân, người lao động ăn, ở tại chỗ, góp phần bảo vệ nhà máy, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT

Ông Lê Xá, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, KCN là nơi có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh. Do vậy, BQL các KCN đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại các DN trong KCN. Ngoài ra, BQL các KCN đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các DN trong KCN. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết DN đều chủ động có biện pháp phòng, chống dịch bệnh để ổn định sản xuất, kinh doanh. 

“Chúng tôi cũng yêu cầu DN tăng cường vai trò của Tổ an toàn COVID-19. Lãnh đạo DN phải xây dựng phương án sắp xếp khung giờ, ca kíp, số lượng chuyên gia, người lao động làm việc phù hợp nhằm giảm số lượng người tập trung trong một phòng. Hàng tháng, DN tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch, thường xuyên cập nhật trên bản đồ an toàn lên hệ thống bản đồ an toàn với COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi DN không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Nếu xảy ra trường hợp người lao động mắc bệnh, chủ DN phải chịu trách nhiệm, chịu toàn bộ chi phí phòng, chống dịch và phải tạm dừng hoạt động cho đến khi bảo đảm an toàn”, ông Lê Xá nói thêm.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.