Cần khẩn trương kết nối tiêu thụ rau cho nông dân trong tỉnh

Chủ Nhật, 18/07/2021, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện BR-VT và một số địa phương lận cận như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…đang thực hiện giãn cách, dẫn tới việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi một số chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh tạm đóng cửa, trong đó có chợ đầu mối Bình Điền – nơi tiêu thụ rau chủ yếu của 2 địa phương xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) và phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa), khiến hàng trăm tấn rau của bà con nông dân không tiêu thụ được.

Hàng loạt luống rau thơm của gia đình bà Phạm Thị Vân, KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh buộc phải phá bỏ do không tiêu thụ được.
Hàng loạt luống rau thơm của gia đình bà Phạm Thị Vân, KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh buộc phải phá bỏ do không tiêu thụ được.

Ghi nhận tại thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ, cả tháng nay hàng chục hộ trồng rau đã và đang buộc phải tiêu hủy, nhổ bỏ hàng trăm luống rau do quá lứa, già cỗi.

Gần 1 tháng nay vợ chồng ông Trần Công Khanh, tổ 12 thôn Láng Cát, xã Tân Hải phải liên tục nhổ bỏ đi các luống rau vì hầu hết đã già, do không có người mua. Lứa này, ông Khanh xuống giống khoảng 200 luống rau các loại cải thìa, cải ngọt, tần ồ và các loại rau thơm. “Khoảng 7 tấn rau các loại buộc phải tiêu hủy vì không có thương lái tới thu mua. Các mối quen thường ngày nay cũng không thấy đâu. Lứa rau này nhà tôi coi như mất trắng, không thu được đồng nào mà còn lỗ cả mấy chục triệu đồng tiền giống lẫn chi phí đầu tư “, ông Khanh nói.

Ánh mắt buồn bã đứng trước gần 400 luống rau xà lách và rau thơm vừa phải xịt thuốc để tiêu hủy, ông Trần Văn Lợi, tổ 13 thôn Láng Cát, xã Tân Hải ngậm ngùi chia sẻ, vụ rau này gia đình chưa thu được đồng nào thì dịch bùng phát, thiệt hại khoảng gần 100 triệu đồng. Toàn bộ số rau này đều được thương lái thu mua để tiêu thụ tại chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh). Khi chợ đóng cửa, thương lái cũng ngừng mua, rau đã quá thời gian thu hoạch 15 ngày, già cỗi. Số rau xà lách chỉ đành cho những người trong thôn hái về cho gà, heo ăn. Riêng các loại rau thơm thì phải tiêu hủy, vì giữ lại cũng không biết làm gì.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hải cho biết, vụ rau nay địa phương có khoảng 50 hộ trồng rau với diện tích hơn 100ha. Trong đó, khoảng 50% (các loại rau thơm) được phân phối tại các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, còn 50% rau ăn lá tiêu thụ trong tỉnh. Tuy nhiên, từ ngày 19/6 tới này, gần 60-70% số rau trồng tại địa phương, không tiêu thụ được. Một số thương lái địa phương do mua bán tại chợ đầu mối Bình Điền thuộc đối tượng phải cách ly, khiến hoạt động mua bán bị gián đoạn. Cùng với việc các chợ truyền thống đóng cửa hàng loạt, dẫn tới hàng trăm tấn rau bị ứ đọng. Tính đến nay, tại địa phương đã có khoảng hơn 200 tấn rau phải tiêu hủy, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.

Tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa các hộ trồng rau cũng đang trong tình trạng tương tự. Ông Hoàng Văn Minh, Chi hội trưởng Hội nông dân KP. Hải Dinh cho biết, khoảng 1 tháng nay, số rau KP. Hải Dinh đã phải tiêu hủy khoảng 100 tấn rau các loại và còn chưa dừng lại. Hiện một số loại rau ăn lá như cải thìa, cải ngọt đã có người mua trở lại với mức giá khoảng 10 ngàn đồng/kg, nhưng tiêu thụ rất chậm. Còn các loai rau thơm vẫn không thể bán được.

Bà Phạm Thị Vân, tổ 3, KP. Hải Dinh, phường Kim Dinh bộc bạch, trước đây, trung bình mỗi ngày bà thu hoạch khoảng 1 tấn rau các loại để bỏ mối cho thương lái tại chợ TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên hiện nay, ước khoảng 10 tấn rau trồng trên 40 ngày, đang được cắt bỏ dần, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. “Trong khi nhiều nơi trong thành phố hiện đang không có rau ăn, thì chúng tôi lại phải buộc tiêu hủy rau đi. Cũng do khâu đi lại, vận chuyển khó khăn. Dịch bệnh hoành hành, tình hình khó khăn chung, nên dù tiếc của, tiếc công những cũng đành chấp nhận”, bà Vân buồn rầu cho biết.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý rau xanh tại vườn phải đổ bỏ trong khi nhu cầu thị trường tăng cao là do tắc nghẽn ở khâu  lưu thông. Trao đổi với đại diện các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh cho thấy, mặc dù đã tăng 1,5 lần nhập luồng hàng rau xanh về nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường. Theo đại diện MM Mega Market Việt Nam, các nhà vận chuyển đang gặp một số khó khăn, tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ nhân lực để giao hàng.

Trong khi đó, theo bà Ngô Thị Hương, thương lái chuyên thu mua rau tại TX. Phú Mỹ cho hay, do dịch bệnh, nhiều cơ quan tổ chức kiểm soát y tế nên việc vận chuyển gặp khó, chi phí xét nghiệm, vận chuyển tăng. Rau đưa được đến nơi có khi đã héo úa, dập úng nên các tiểu thương cũng từ chối nhận. Nhiều thương lái cũng tạm ngừng thu mua vì lo sợ lây nhiễm dịch.

Từ kinh nghiệm đợt dịch trước và công tác tổ chức phân phối rau củ ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy, việc cần làm bây giờ là Sở Công thương – Sở NN-PTNT các tỉnh cần liên kết với nhau, đoàn thanh niên các xã, huyện thu gom nông sản của bà con, vận động các DN vận tải hỗ trợ xe để phân phối rau xanh. Việc phân phát rau vào các khu cách ly, các phường phong tỏa giao cho Đoàn thanh niên và tình nguyện viên. Nếu có sự kết nối, phối hợp tốt, bà con vùng trồng rau sẽ không phải đổ bỏ mà người dân thành phố cũng được mua với giá bình ổn.

PHÚC HIẾU

;
.