Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19
Do dịch COVID-19, hoạt động tiêu thụ hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp đã bàn các giải pháp ứng phó.
Trước đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam đứng trước khó khăn, thách thức. Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền . |
GIÁ NÔNG SẢN GIẢM SÂU
Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) cho biết, với 2ha nuôi tôm công nghệ cao, sản lượng trung bình mỗi vụ đạt khoảng trên 50 tấn tôm thẻ chân trắng. Toàn bộ sản phẩm này đều được DN thu mua để xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xảy ra, việc xuất đi nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, DN thận trọng trong việc thu mua. Việc tôm đến kỳ xuất bán nhưng DN chậm thu mua, mặt khác khiến cho HTX phải tăng thêm chi phí, hồ nuôi phải bỏ trống.
Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi nông sản không tiêu thụ được do dịch bệnh xảy ra là vùng trồng thanh long của huyện Xuyên Mộc. Ước tính toàn huyện có khoảng 900ha trồng thanh long, tập trung chủ yếu tại xã Bông Trang và Bưng Riềng, sản lượng hàng năm khoảng 1.800 tấn. Hiện loại trái cây này vẫn đang chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Bà Nguyễn Thị Lý, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc cho hay, cả năm nay người trồng thanh long tại địa phương đứng ngồi không yên khi giá liên tục giảm sâu, thậm chí có thời điểm thương lái không thu mua. “Không giống với các loại quả khác, thanh long là không thể “neo” trái trên cây lâu. Vì trái thanh long chín quá gặp mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ nứt toác vỏ. Các cành đỡ cũng sẽ bị héo do bị vắt kiệt sức nuôi trái. Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất thanh long các vụ tiếp theo”, bà Lý nói.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, một số loại nông sản hè trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, một số cửa khẩu đóng cửa sẽ dẫn đến các mặt hàng nông sản bị ùn tắc cục bộ. Nông dân thu hoạch tập trung và không tiêu thụ được số lượng nông sản lớn sẽ xảy ra tình trạng đổ bỏ nông sản, người sản xuất bị tổn thất về kinh tế. Hiện giá một số loại trái cây trên địa bàn tỉnh cũng đã giảm mạnh. Cụ thể, thanh long còn 20.000 - 30.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 10.000 đồng; giá xoài cát Hòa Lộc 20.000-25.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng kỳ; các loại như chôm chôm, mít thái, sầu riêng, bơ đều giảm từ 10.000-40.000 đồng/kg. Đối với các loại thủy sản tiêu thụ nội địa, một số cơ sở đã giảm công suất chế biến khoảng 10 – 20%, không tăng ca, hoạt động cầm chừng để duy trì sản xuất nên nguồn cung đang có nguy cơ bị ùn ứ.
CẦN GIẢI PHÁP CẤP BÁCH
Hiện đang là thời điểm nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực có tính mùa vụ trên cả nước như: vải, nhãn, chuối, thanh long, sầu riêng, bơ.... đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 các loại trái cây hè năm nay đối diện với nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát lan rộng tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm ảnh hưởng tới nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại, cửa khẩu. Nhiều sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính nên có nguy cơ gây áp lực lên việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, hoạt động kinh doanh nông sản bị đứt đoạn, áp lực chi phí lưu kho phục vụ bảo quản nông sản tăng, công tác thông quan, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng dịch.
Đứng trước những khó khăn và thách thức đó, tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn ra ngày 14/5 vừa qua, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương có vùng nguyên liệu lớn cây ăn trái đang và sắp cho thu hoạch đều đang tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán. Đặc biệt, Bộ sẽ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, các địa phương, DN cũng cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời triển khai các biện pháp, vừa đẩy mạnh sản xuất đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng; đảm bảo cân đối cung cầu thị trường nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho DN và nông dân trước tác động của dịch COVID-19
Tại BR-VT, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu… Từ đó thông báo cho các địa phương, DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh để người sản xuất nắm rõ. Về giải pháp hỗ trợ cho người nông dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Đơn vị cũng đã có kiến nghị, giải pháp về vấn đề này. Trong đó, Sở kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh BR-VT “cơ cấu lại thời gian giãn nợ” cho cơ sở đang vay, đáo hạn, vay mới. Đề nghị giảm lãi suất cho vay đối với các DN, cơ sở (đặc biệt là các DNNVV) để các DN có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh xảy ra”.
Theo Bộ NN-PTNT, cần quan tâm đến giải pháp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến,… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch COVID-19 cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, đặc biệt khi mùa hè đã quay trở lại. Đồng thời, giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP; tổ chức liên kết sản xuất, lưu thông, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu, trước mắt là tổ chức tốt vụ vải, nhãn và các sản phẩm mùa vụ trong Quý II/2021. Ngoài ra, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản. |
Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh, không để bị ứ đọng cục bộ; kịp thời thông báo tình hình đến các DN và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tổ chức các phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục thực hiện Quy hoạch ngành NN-PNTN đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… “Đặc biệt là tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, tránh phải giải cứu nguyên liệu một cách bền vững”, ông Cường nhấn mạnh.
Bài ảnh: PHÚC HIẾU