Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay, dù tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản không lớn, tuy nhiên, đây là lĩnh vực luôn được xem tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó NHNN sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS.
Mấy năm gần đây, tín dụng cho vay BĐS tại BIDV Bà Rịa giảm hẳn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Bà Rịa. |
CHO VAY BĐS GIẢM DẦN QUA TỪNG NĂM
Trong buổi họp báo của NHNN diễn ra giữa tháng tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng nhóm bất động sản không có nhiều biến động và giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 26,6%, năm 2019 là 21,53%. Đến năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên cho vay BĐC chỉ tăng trưởng 11,89% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế). Trong quý 1/2021, tín dụng cho lĩnh vực này tăng 3% so với cùng kỳ các năm trước. Mức tăng này không có gì đột biến, thậm chí thấp hơn so với mức tăng của quý 1/2019 là 5,19%. Điều này cho thấy, tín dụng BĐS đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư BĐS của dự án cao cấp.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của NHNN, việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản cũng được các ngân hàng kiểm soát chặt. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Bà Rịa, trước đây dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khá cao. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, cho vay ở lĩnh vực này đã giảm hẳn. Riêng từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ liên quan đến BĐS chỉ ở mức 34 tỷ đồng, cộng dồn dư nợ của năm 2020 là 1.740 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng dư nợ. Nợ xấu trong cho vay bất động sản hầu như không có. Theo lãnh đạo Bà Rịa, khi tình trạng sốt đất được cảnh báo ở nhiều địa phương, đơn vị đã thực hiện việc kiểm soát chặt hơn quy trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho vay mua nhà. BIDV Bà Rịa chỉ cho vay đối với khách hàng mua nhà để ở tại các dự án đã được chính quyền địa phương cấp phép; hoặc cho vay xây, sửa nhà. Ông Trịnh Tuấn Trường, Phó Giám đốc BIDV Bà Rịa cho biết: Để kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực cho vay BĐS, ngoài thẩm định giá trị của tài sản, đơn vị cũng tư vấn cho khách hàng về giá trị của đất và căn cứ vào nguồn thu nhập thực tế của khách hàng, khả năng trả nợ của khách hàng để ngân hàng cung cấp tín dụng cho khách hàng.
Tại Vietinbank, từ năm 2015 đến nay, thực hiện yêu cầu của NHNN về việc hạn chế cho vay vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán… Vietinbank đã rất thận trọng, kiểm soát chặt chẽ cho vay vào lĩnh vực này. Bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc chi nhánh Vietinbank BR-VT cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, Vietinbank, chi nhánh BR-VT chỉ thẩm định và xét cho vay liên quan đến BĐS với tổng dư nợ 30 tỷ đồng. Người vay phải có tài sản thế chấp là bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa 70% giá trị bất động sản được thế chấp. Bên cạnh đó, người vay phải chứng minh thu nhập để trả nợ, mục đích vay vốn, phương án trả nợ.
TẬP TRUNG VỐN CHO LĨNH VỰC SẢN XUẤT
Theo ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh BR-VT, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, do đó, NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát cho vay ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh BĐS, chứng khoán; tiếp tục khuyến khích mở rộng cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn…
Thống kê của NHNN, chi nhánh BR-VT cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Tính đến đầu tháng 5/2021, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 6,25% so với cuối năm 2020 (tương đương 6.646 tỷ đồng), tăng 2,85% so với tháng trước (3.131 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất 84.000 tỷ đồng, tăng 4,64 % so với đầu năm, chiếm 74,34% so với tổng dư nợ...
Tín dụng BĐS hiện chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Hiện nay, NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Theo chuyên gia đánh giá, tăng trưởng nóng BĐS có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư có hiện tượng đầu cơ lướt sóng trong thời gian qua, do các địa phương ban hành các bảng giá để tăng giá đất từ 15-20%; thị trường vàng, chứng khoán tăng trưởng, nhà đầu tư sinh lời, đầu tư vào BĐS. Bên cạnh đó là do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến dòng tiền... Do đó, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Còn dư nợ lĩnh vực chứng khoán, đến hết quý I là 45.300 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ. Dù quy mô tăng trưởng chứng khoán không lớn, nhưng NHNN đánh giá lĩnh vực chứng khoán và BĐS tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát chặt chẽ hoạt động cũng như đầu tư, giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguồn: (NHNN Việt Nam)
|
Ngoài ra, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tiếp tục ký hợp đồng tăng hạn mức cho vay, hợp đồng cho vay mới...để bổ sung nguồn vốn cho DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến đầu tháng 5/2021, doanh số cho vay lũy kế chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là 330 tỷ đồng với 52 DN vay vốn (tăng 4 DN so với đầu năm), dư nợ đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Giữa tháng 4 vừa qua, Sacombank và tập đoàn DIC ký kết hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận được ký kết, Sacombank sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính DN như bảo lãnh ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngoại hối,... đáp ứng các nhu cầu đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn DIC.
Bài, ảnh: PHAN HÀ