153 tỷ đồng khuyến khích phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Chiều 21/5, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến DN, HTX, trang trại, nông dân về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Sau 5 năm triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên các mô hình, dự án mang lại kết quả tích cực cho người dân và DN. Tính đến nay, đã có 4 công ty xuất khẩu hồ tiêu triển khai dự án liên kết phát triển hồ tiêu bền vững, theo đó đã hướng dẫn và chứng nhận cho 1.217ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn SAN/Global GAP, của 1.200 hộ, các hộ liên kết được tập huấn kỹ thuật, sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 2%; mô hình liên kết trên cây lúa tại huyện Long Điền và Đất Đỏ; chuỗi liên kết ca cao với diện tích hơn 125ha (225 hộ) được trồng theo tiêu chuẩn UTZ tại huyện Châu Đức. Ngoài ra, còn có các chuỗi liên kết sản xuất trên một số loại cây khác như: chuối (100ha), bắp (200ha)…
Tỉnh cũng đã có những chính sách cụ thể, kịp thời về khoa học, kỹ thuật, trang thiết bị, vốn (trên 200 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân phát triển đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong giai đoạn 2020 -2025, Sở NN-PTNT tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp như: xây dựng 90-100 chuỗi liên kết (tối thiểu 15 chuỗi/năm); 10-15 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, UDNNCNC, công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu; thu hút 20-30 DN, nhà đầu tư tham gia chuỗi liên kết, 30-40 HTX tham gia với vai trò cầu nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Trong giai đoạn 2020-2025, tổng nguồn vốn huy động dự kiến để thực hiện gần 153 tỷ đồng.
SONG BÌNH, KIM HỒNG