.

"Đường cao tốc" hội nhập liên minh châu Âu

Cập nhật: 21:50, 20/05/2020 (GMT+7)

Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc theo hình thức trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

SỚM HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT 

Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung.

Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, DN Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Về việc phê chuẩn và thời điểm phê chuẩn EVFTA, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, theo quy định về hiệu lực của EVFTA, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực. Các bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, việc sớm thông qua Hiệp định EVFTA đem lại nhiều lợi ích như thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và châu Âu. Khi hiệp định được ký kết, nhiều dòng thuế về 0%, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào châu Âu nhiều hơn. Đồng thời người Việt sẽ tiếp cận các hàng hóa, máy móc, mỹ phẩm... với giá cả phải chăng và chúng ta cũng có cơ hội thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao khi thời gian qua việc thu hút đầu tư từ khu vực châu Âu vẫn còn hạn chế. “Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thị trường EU khó tính sẽ thúc đẩy các DN Việt Nam sản xuất tốt hơn, hồ sơ sổ sách minh bạch hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Ví việc Hiệp định được phê chuẩn giống như “con đường cao tốc” hội nhập với liên minh châu Âu được “thông xe”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) cho rằng, Hiệp định giúp hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá và tái khởi động sau dịch bệnh. Nhưng đây mới chỉ mở lối đi còn làm sao để các DN, nền kinh tế vận hành được trơn tru, hiệu quả trên con đường này mới là nhiệm vụ quan trọng và gian nan. Muốn làm được điều này phải thiết kế được đường gom, lối mở để cho DN, nền kinh tế của Việt Nam lên được đường cao tốc. Việc thực hiện này được cụ thể hóa bằng những nghị định, Luật, thông tư hướng dẫn và nội luật hóa các cam kết để giúp nền kinh tế, DN thực hiện đúng quy định trong Hiệp định”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA càng có tác động tích cực, bởi đây là thời điểm quan trọng để chúng ta thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, bù đắp những thiệt hại do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khác. EVIPA cũng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới...

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như dệt may, thủy sản, da giày… sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường vào EU. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như dệt may, thủy sản, da giày… sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường vào EU. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood.

ĐỦ ĐỘ “CHÍN” ĐỂ GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA ILO

Chiều 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe  và cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội. “Đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được hoàn thiện và tương thích với Công ước số 105, đủ độ “chín” để Việt Nam gia nhập Công ước 105”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTTP, EVFTA, và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe và xem xét các nội dung: Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Ngoài ra, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV cũng sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự.

 

ĐÔNG QUANG

.
.
.