.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 20:40, 20/05/2020 (GMT+7)

Tình trạng khô hạn đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Bảo vệ môi trường, trồng thêm cây xanh, rừng ngập mặn, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường… là những việc cần phải làm ngay để hạn chế tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Châu Pha giảm mạnh, xuống dưới 13m.
Nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Châu Pha giảm mạnh, xuống dưới 13m.

TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN SẢN XUẤT, SINH HOẠT

Chúng tôi có dịp trở lại cảng Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) vào đầu tháng 5. Vốn là nơi neo đậu của tàu thuyền nhưng hiện nay cảng bị bồi lấp, khiến tàu cá có công suất đánh bắt từ 100CV không thể di chuyển được. Theo ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, nguyên nhân là do phía sông Lô (đối diện Bến Lội) thường xuyên bị sạt lở khiến đất, cát theo thủy triều bồi lấp vào cảng Bến Lội làm hẹp luồng lạch. Dù tỉnh và huyện đã đầu tư kinh phí nạo vét nhiều lần khu vực này nhưng luồng vào cảng thường xuyên bị bồi lấp trở lại, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt khai thác hải sản của ngư dân. 

Không chỉ tốc độ biển xâm thực nhanh, xói mòn, BR-VT phải đối mặt với nguồn nước cạn kiệt do BĐKH, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cục bộ vào mùa khô. Báo cáo của Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh, năm nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa tại khu vực có các hồ chứa đều giảm mạnh. Cụ thể, trong số 15 hồ thuộc quản lý của Trung tâm với tổng dung tích thiết kế gần 309 triệu m3, nhưng tổng trữ lượng nước của các hồ đến thời điểm này chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đạt 11,9% so với thiết kế và chỉ bằng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biến đổi khí hậu khiến mùa mưa kết thúc sớm, mùa nắng kéo dài gây nên tình trạng khô hạn cục bộ. Trong ảnh: Người dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) mang thùng nhựa đến các xe bồn của BWACO chở nước về nhà.
Biến đổi khí hậu khiến mùa mưa kết thúc sớm, mùa nắng kéo dài gây nên tình trạng khô hạn cục bộ. Trong ảnh: Người dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) mang thùng nhựa đến các xe bồn của BWACO chở nước về nhà.

Trong khi đó, tỷ lệ đất tại BR-VT bị thoái hóa cũng ở mức đáng báo động. Theo kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất với diện tích 142.215ha, tại 7 huyện, thị xã, thành phố (không tính huyện Côn Đảo) cho thấy: có đến 64,59% diện tích đất, tương đương 91.860ha bị thoái hóa do khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, nhiễm mặn, trong đó có đến 40.473ha thoái hóa ở mức trung bình, 13.406ha thoái hóa ở mức nặng. Đất bị thoái hóa tập trung nhiều ở địa bàn huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức.

ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Trước tác động xấu của BĐKH, Sở TN-MT đã đề ra nhiều giải pháp để ứng phó. Trong đó, tập trung phát triển cây xanh, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng ở các vùng ven sông, ven biển và kế hoạch ứng phó; xây dựng hệ thống đê, kè biển ở các khu vực trọng yếu có nguy cơ sạt lở cao như Lộc An (huyện Đất Đỏ), Cửa Lấp (huyện Long Điền), Bến Lội (huyện Xuyên Mộc)… Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch đất các đô thị, khu vực dân cư nông thôn, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất và nước biển dâng. Đối với môi trường nước, Sở TN-MT phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Đến nay, Sở TN-MT đã khoanh vùng 72 điểm hành lang nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và chống lấn chiếm đất ven nguồn nước. Đối với hệ sinh thái ven biển, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng cách trồng thêm 150ha rừng ngập mặn...

Biển bồi lấp khiến ghe tàu ra vào cảng Bến Lội - Bình Châu gặp khó khăn.
Biển bồi lấp khiến ghe tàu ra vào cảng Bến Lội - Bình Châu gặp khó khăn.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Trong chương trình hành động ứng phó với BĐKH 2020-2025, chúng tôi cũng kêu gọi mọi người phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý để giảm phát thải nhà kính. Trong sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp sử dụng nhiều phân bón hữu cơ để giảm phát thải khí metan. Bên cạnh đó, trồng rừng và bảo vệ rừng là biện pháp tích cực nhất để rừng hấp thu khí CO2… Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của địa phương”.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), BR-VT là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển chịu nhiều tác động của BĐKH. BĐKH đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sạt lở, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển, xâm nhập mặn, khô hạn… Kết quả khảo sát gần đây của ngành chức năng cho thấy, tốc độ dâng lên của mực nước trung bình năm tại BR-VT khoảng 3mm/năm. Nhiều vùng ven biển trên địa bàn tỉnh như Phường 12, Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu); Phước Tỉnh (huyện Long Điền); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)… biển đang xâm lấn đất liền từng ngày.

 

 

.
.
.