DN mong đợi cú hích từ EVFTA
Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua từ 12/2/2020 và nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2020. Các DN kỳ vọng EVFTA sẽ tạo cú hích lớn cho các ngành hàng xuất khẩu.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như dệt may, thủy sản, da giày… sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường vào EU. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại xưởng của Công ty Baseafood. |
CƠ HỘI ĐỂ TĂNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu gồm 17 chương, 8 phụ lục và 2 bản ghi nhớ và 4 bản tuyên bố chung. EVFTA được đánh giá là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao với mức độ cam kết sâu, rộng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bao gồm cả những lĩnh vực truyền thống và những lĩnh vực phi truyền thống như mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững…
Theo Bộ Công thương, EVFTA dự kiến có thể giúp GDP của Việt Nam tăng từ 2,18-3,25%/năm, tiếp cận một thị trường gồm 500 triệu dân với GDP khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 22,4% toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam và EU mang tính bổ trợ cao với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 42,7% vào năm 2025, nhập khẩu tăng 33,06% vào năm 2025.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu trên toàn cầu, EVFTA được đưa vào thực thi dự báo sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế nước ta. Từ phía DN, Hiệp định EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn, giúp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.
Theo đó, DN sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho những chuỗi cung ứng cũ vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để DN khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh.
THAY ĐỔI ĐỂ NẮM BẮT THỜI CƠ
Với hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ về mức 0% sau khi EVFTA có hiệu lực, các DN xuất khẩu tại BR-VT bày tỏ nhiều kỳ vọng vào việc sẽ mở rộng hơn nữa thị trường. Chờ đợi EVFTA có hiệu lực vào lúc này không ai khác là các DN thuộc những ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, thủy sản, điện tử…
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết, EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội lớn. Khi Hiệp định có hiệu lực, cộng với quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ tạo nên sự cộng hưởng theo chiều hướng thuận lợi cho các DN. Bởi khi đó, thuế suất của nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU sẽ về 0%, sẽ giúp DN giảm được chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Riêng với Baseafood, để đón đầu cơ hội này, từ năm 2019, DN đã tập trung đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn. |
Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN tại BR-VT vào thị trường EU đạt 41,98 triệu USD, chiếm 2,36% tỷ trọng xuất khẩu. Dù tỷ trọng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào thị trường EU còn khiêm tốn nhưng tiềm năng phát triển trong tương lai là rất lớn. Để giúp các DN tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp về cải cách hành chính, môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất khẩu; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu. “Tỉnh đã thông qua đề án hỗ trợ DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ DN tận dụng tối đa các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu mà Hiệp định EVFTA mang lại”, bà Dung nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU