Nhiều năm qua những người dân ở tổ 3, ấp 6, xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) phải sống trong điều kiện thiếu thốn về nước sạch. Nguồn nước duy nhất của các hộ này là giếng đào, nhưng gần đây đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng do các trại nuôi vịt trong khu vực gây ra.
SỐNG CHUNG VỚI NGUỒN NƯỚC Ô NHIỄM
Có mặt tại ấp 6, xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân nơi đây mỗi ngày phải chở từng can nước về sử dụng vì nguồn nước giếng của họ đã ô nhiễm trầm trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Hồ Ngọc Cân (ở tổ 3, ấp 6, xã Hòa Bình) cho biết: “Trước kia, gia đình sinh hoạt, ăn uống bằng nước giếng đào và giếng khoan, nhưng từ năm 2017 đến nay, nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng, nên nước giếng chỉ dùng để tưới cây. Nước dùng để ăn uống, sinh hoạt phải xin từ nơi khác về”.
Gia đình ông Hồ Ngọc Cân phải xin từng can nước về dùng. |
Ông Cân dẫn chúng tôi tới giếng nước của gia đình. Giếng sâu khoảng 8m. Nước múc lên có màu vàng sẫm, bốc mùi tanh. Ông Cân cho biết, nguồn nước ngầm phụ thuộc rất nhiều vào suối Ly sát bên nhà. Nhưng thời gian gần đây suối Ly bị ô nhiễm nặng bởi một trại nuôi vịt của ông Trần Nguyên Hải. Phía sau các chuồng vịt có đường ống xây bằng gạch dẫn nước thải ra suối Ly. Chúng tôi theo chân ông Cân ra suối Ly. Dù con suối này đã cạn, nhưng một đoạn dài khoảng 20m gần khu vực cống xả thải của trại vịt vẫn còn nước, sâu khoảng 30cm, màu đen quánh, bốc mùi hôi thối.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ - một hộ dân ở ấp 6 cho biết “Gia đình tôi sinh sống từ năm 1987. Nước giếng của gia đình từng rất trong, nhưng vài năm trở lại đây, chuyển màu vàng đục, bốc mùi, nhất là vào mùa nắng. Gia đình tôi sợ không dám sử dụng, phải đi xin nước về sinh hoạt. Ăn uống thì phải mua nước bình, rất tốn kém”, bà Huệ nói.
Anh Hồ Huy Hoàng (tổ 3, ấp 6, xã Hòa Bình) cho biết chất thải chăn nuôi vịt chảy ra suối Ly, gây ô nhiễm nguồn nước. |
KHÁT NƯỚC SẠCH
Theo phản ánh của các hộ dân ở tổ 3, ấp 6 xã Hòa Bình, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt đang là vấn đề cấp thiết. Khu vực tổ 3 chưa có nước máy, trong khi nguồn nước giếng thì đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng. “Năm 2016, gia đình tôi đầu tư hàng chục triệu đồng đào ao, lắp đặt hệ thống ống lấy nước suối Ly để nuôi cá, giúp tăng thu nhập gia đình. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, không thể nuôi cá được vì nguồn nước suối Ly bị ô nhiễm, đời sống của gia đình tôi càng khó khăn hơn”, ông Hồ Huy Hoàng cho biết thêm.
Xung quanh miệng cống xả nước thải chăn nuôi vịt, nước đọng vũng đen sệt. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Xã Hòa Bình có 3.195 hộ/13.000 dân, tỷ lệ hộ dân có nước máy sử dụng chỉ đạt 62%. Thiếu nước sạch là bài toán hết sức nan giải tại địa phương. Riêng tổ 3, ấp 6 có khoảng 40 hộ dân sinh sống, đang rất chật vật với việc xoay xở nước sinh hoạt. Người dân ai cũng mong muốn sớm có nước sạch để dùng. UBND xã đã kiến nghị với huyện lắp đặt hệ thống nước máy cho người dân sử dụng nhưng vẫn chưa thực hiện được do đường ống dẫn xa, kinh phí đầu tư cao”.
Người dân mang mẫu nước đi kiểm nghiệm để làm bằng chứng
Tháng 3-2018, ông Hồ Ngọc Cân tự bỏ chi phí, đem mẫu nước giếng lên Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xét nghiệm. Đến ngày 10-4-2018, kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur, các chỉ số: độ đục, màu sắc, ô xy hóa, hàm lượng coliforms vượt ngoài giới hạn cho phép.
|
Về các trại chăn nuôi xung quanh suối Ly, đầu năm 2017, 6 hộ dân ở tổ 3, ấp 6, xã Hòa Bình đã gửi đơn phản ánh các hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Thuận (diện tích chuồng trại 500m2, nuôi 4.500 con gà) và Trần Nguyên Hải (diện tích chuồng trại 700m2, nuôi 4.000 vịt thịt, 4.000 con gà) gây ô nhiễm môi trường. Ngày 25-6-2017, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị các hộ chăn nuôi không tăng thêm đàn, xây dựng hệ thống xử lý, thu gom chất, nước thải… hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân. “Sau khi các đoàn của huyện kiểm tra, nhắc nhở, hộ ông Trần Nguyên Hải đã xây hầm 3 ngăn để chứa các loại chất thải từ chăn nuôi vịt, qua nhiều công đoạn lọc, lắng rồi xả ra suối”, anh Lê Tuấn Vũ, Công chức Địa chính - Xây dựng - Môi trường xã Hòa Bình cho biết. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế của phóng viên, ông Trần Nguyên Hải đang duy trì đàn vịt với số lượng lớn, hàng ngày nước thải vẫn xả ra suối Ly đọng vũng, đen quánh. Do đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục kiểm tra, giám sát và có hướng xử lý triệt để. Về điều này, Ban Tiếp công dân (Văn phòng UBND tỉnh) cũng đã có văn bản đôn đốc UBND huyện Xuyên Mộc giải quyết đơn của ông Hồ Ngọc Cân và các hộ dân phản ánh trại chăn nuôi vịt của hộ ông Trần Nguyên Hải thải nước gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG, LÊ LÝ