Hàng loạt nhà sơ chế rau "đắp chiếu"

Thứ Sáu, 24/05/2019, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2012, sau 7 năm đi vào hoạt động, hầu hết các nhà sơ chế rau an toàn phải “đắp chiếu” hoặc hoạt động cầm chừng vì không đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân vì sao?

Nhà sơ chế rau của HTX rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền) đang hoạt động cầm chừng.
Nhà sơ chế rau của HTX rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền) đang hoạt động cầm chừng.

Hơn 4 năm qua, nhà sơ chế rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hải (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) luôn đóng kín cửa. Cánh cổng sắt đã gỉ sét do lâu ngày không hoạt động. HTX Nông nghiệp Phước Hải là đơn vị đầu tiên được hỗ trợ (250 triệu đồng) xây dựng nhà sơ chế rau an toàn vào năm 2012. Nhà sơ chế này có diện tích 400m2, gồm khu xử lý thô, bể ôzôn diệt khuẩn, hệ thống máy vắt ly tâm, hệ thống sắp xếp đóng gói, dán nhãn… với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng đã 4 năm qua, nhà sơ chế này phải “đắp chiếu”. Ông Nguyễn Thanh Hòa, cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hải cho biết, do chưa có sự thống nhất trong quản lý, vận hành nhà sơ chế của các thành viên trong HTX, đồng thời sản phẩm rau an toàn sau khi sơ chế không có đầu ra nên đến giữa năm 2015, HTX Nông nghiệp Phước Hải buộc phải cho ngừng hoạt động nhà sơ chế.

Trong khi đó, tại HTX Rau an toàn Thắng Lợi, xã Phước Hưng (huyện Long Điền), nhà sơ chế chỉ hoạt động cầm chừng. Nhà sơ chế này được đầu tư 250 triệu đồng, công suất tối đa 600kg/ngày. Rau sau khi thu hoạch được mang vào nhà sơ chế rửa sạch, đóng gói và dán nhãn trước khi mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay nhà sơ chế chỉ đạt sản lượng 30-40kg/ngày. Theo ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc HTX Rau an toàn Thắng Lợi, bình thường, khu vực huyện Long Điền giá rau cao hơn tại TP.Bà Rịa và TX.Phú Mỹ khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Qua sơ chế, giá thành sẽ đội lên thêm khoảng 2.000 đồng/kg. Do giá thành cao hơn nên sản phẩm rau an toàn của địa phương rất khó “chen”  được vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện nay, để duy trì, sản phẩm của nhà máy chủ yếu cung cấp cho 4 trường học trên địa bàn với mức tiêu thụ khoảng 40kg/ngày. Với mức sản lượng như vậy, nhà sơ chế an toàn của xã hiện nay đang đứng trước nguy cơ “đóng cửa”.

Đối với HTX An toàn - Tiện lợi (huyện Xuyên Mộc), theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc HTX cho biết: “Một vài năm đầu hoạt động khá hiệu quả, do HTX ký được hợp đồng cung cấp rau an toàn cho một vài cơ sở du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất trồng rau tại địa bàn xã ngày càng thiếu, nguồn rau tại địa phương không đa dạng, nguồn cung cấp không đủ lớn, khiến HTX e ngại khi ký hợp đồng với các DN lớn. Do vậy nhà sơ chế hầu như không hoạt động”.

Theo phản ánh của các địa phương, nguyên nhân chủ yếu của việc các nhà sơ chế hoạt động không hiệu quả là do sự điều phối sản xuất và cung ứng rau an toàn còn yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường. Để các nhà sơ chế hoạt động ổn định, tránh lãng phí hàng tỷ đồng đầu tư, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu hàng hóa tạo điều kiện cho các DN, HTX, nông dân gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Ông Nguyễn Thiện Hiệp, cán bộ Hội Nông dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền) - đồng thời đang quản lý  nhà sơ chế rau an toàn tại địa phương cho biết: Mục tiêu mà cơ sở hướng tới đó là cung cấp rau sạch cho các bếp ăn trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được, các sản phẩm rau sạch sau sơ chế có giá thành cao hơn thị trường 20-30% nên rất khó cạnh tranh với sản phẩm thông thường. Do đó, để các nhà sơ chế hoạt động hiệu quả, việc hỗ trợ tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn của các ngành chức năng là rất cần thiết, cụ thể là tăng cường việc kết nối đầu ra từ nhà sản xuất, người trồng rau và DN.

6 nhà sơ chế rau sạch được hỗ trợ đầu tư bao gồm:  DNTN rau an toàn Đồng Việt; HTX Nông nghiệp Phước Hải (TX. Phú Mỹ); HTX Rau an toàn Thắng Lợi (huyện Long Điền); Cơ sở Rau an toàn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ); HTX Sản xuất nông nghiệp thực phẩm An toàn Tiện Lợi (huyện Xuyên Mộc); Cơ sở Rau an toàn Côn Đảo (huyện Côn Đảo). Kinh phí hỗ trợ từ 250-700 triệu đồng/nhà sơ chế, tùy quy mô và diện tích.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, để bảo đảm nguồn rau sạch cung cứng cho các khu du lịch, trường học, tỉnh cần nhanh chóng đầu tư các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Khi có nguồn cung để phát huy hết công suất của nhà sơ chế thì HTX mới mạnh dạn ký các hợp đồng cung ứng rau cho các DN, khu du lịch có nhu cầu cao về rau an toàn.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.